Để tiếp tục triển khai thự hiện công tác quản lý di tích lịch sử văn hóa đền Dâu, đền Quán Cháo theo đúng quy định, ngày 05/8/2024 BQL các di tích lịch sử - văn hóa đã xếp hạng thành phố Tam Điệp đã ban hành Quy chế hoạt động của BQL Di tích lịch sử - văn hóa đền Dâu, Quán Cháo. Quyết định gồm 5 chương, 15 điều quy định các hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa của BQL di tích:
Chương I, gồm 2 điều quy định rõ phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và nguyên tắc hoạt động của Ban Quản lý.
Chương II, Quản lý bảo vệ và phát huy giá trị di tích:
Điều 3, quản lý đất đai thuộc di tích
Điều 4, Quản lý công trình kiến trúc điêu khắc di vật cổ vật thuộc di tích quy định Di tích phải được bảo vệ nguyên trạng nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm, hủy hoại đối với các công trình kiến trúc, điêu khắc di vật, cổ vật... của di tích. Ban Quản lý có trách nhiệm bảo quản,giữ gìn di tích, các hiện vật trong di tích.
Điều 5, bảo quản tu bổ phục hồi di tích quy định, chỉ thực hiện các hoạt động bảo quản, tu bổ, sửa chữa, mở rộng phục hồi di tích khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Việc sửa chữa, tu bổ, tôn tạo phải giữ gìn tối đa các yếu tố gốc cấu thành di tích, không làm ảnh hưởng đến cảnh quan di tích, phải tuân thủ các quy định.
Điều 6 quy định các hoạt động tín ngưỡng tại di tích phải tuân thủ quy định của pháp luật về tín ngưỡng tôn giáo và các quy định của pháp luật khác có liên quan.Nghiêm cấm mọi hành vi lợi dụng tín ngưỡng tại di tích để xuyên tạc, chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gây mất an ninh trật tự, tuyên truyền trái pháp luật; chia rẽ khối đoàn kết dân tộc; tổ chức các hoạt động mê tín dị đoan, phục hồi các hủ tục trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc và những hành vi vi phạm pháp luật khác. Việc tổ chức lễ hội tại di tích thực hiện theo Quyết định số 2068/QĐ-BVHTTDL ngày 3/8/2023 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành “Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống” và các quy định của pháp luật khác có liên quan. Các tổ chức cá nhân có nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng phải thực hiện theo quy định của pháp luật; chấp hành nội quy hướng dẫn của Ban Quản lý. Các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, quay phim, chụp ảnh, bán hàng lưu niệm, sách báo trong khu vực quản lý của di tích phải được sự đồng ý của Ban Quản lý.
Điều 7, các hoạt động nghiên cứu phát huy giá trị di tích quy định, di tích cần được gắn bia, biển, xây dựng nội quy di tích, bản trích giới thiệu nội dung di tích. Các hoạt động dịch vụ tại khu vực di tích phải được đưa ra ngoài khuôn viên di tích; các cá nhân, tổ chức chỉ được tổ chức các hoạt động dịch vụ sau khi được sự đồng ý bằng văn bản của chính quyền địa phương và đơn vị được giao trực tiếp quản lý di tích. Các tổ chức, cá nhân được giao quản lý di tích, khách tham quan, người tham gia các hoạt động tín ngưỡng tại di tích có trách nhiệm bảo vệ giữ gìn di tích môi trường cảnh quan di tích và thực hiện các quy định về nếp sống văn hóa văn minh tại di tích.
Chương III, quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các thành viên. Trong đó: Điều 8, điều 9 quy định nhiệm vụ quyền hạn của Trưởng ban, Phó trưởng ban và các thành viên BQL.
Điều 10, Quy định rõ cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ,quyền lợi của Tổ trực đền, Tổ tài chính, Tổ bảo vệ. Trong đó, mục 1 về cơ cấu, tổ chức, nhiệm vụ quyền lợi của Tổ trực đền đã nêu rõ Tổ trực đền có nhiệm vụ: Tham gia trực đền, giúp cho Ban Quản lý di tích trực tiếp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị của di tích; Tổ chức Lễ hội truyền thống; duy trì, điều hành hoạt động tế lễ theo phong tục cổ truyền và hướng dẫn các hoạt động tín ngưỡng tâm linh tại di tích; thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn, tuyên truyền, giới thiệu về di tích cho du khách và nhân dân; thực hiện nhiệm vụ đảm bảo vệ sinh môi trường của di tích; thực hiện nhiệm vụ ghi giấy chứng nhận công đức, tiền cúng lễ của nhân dân và du khách; tiếp nhận tiền công đức tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội, bàn giao cho cá nhân cụ thể được giao quản lý theo quy chế chi tiêu nội bộ. Về cơ cấu tổ chức, Tổ trực đền gồm 1 tổ trưởng, 2 đến 3 tổ phó và các thành viên. Các thành viên được chia ca trực đền, mỗi ca trực không quá 5 người. Điều kiện tham gia Tổ trực đền, thành viên có độ tuổi từ 60 đến 75 tuổi, có đủ sức khỏe tham gia trực đền, có tinh thần trách nhiệm cao, nhiệt tình, tự nguyện, có uy tín cao trong cộng đồng dân cư. Do Mặt trận tổ quốc Việt Nam phường đề xuất, UBNDphường xác nhận đề nghị và được Ban quản lý phê duyệt. Việc kết nạp thành viên mới thực hiện theo cơ cấu, số lượng và các tiêu chí quy định trong quy chế. Hàng năm căn cứ vào tình hình thực tế, Ban quản lý kiện toàn thành viên tổ trực đền cho phù hợp, đảm bảo kế thừa truyền thống và cơ cấu số lượng, tiêu chí quy định trong quy chế.
Chương IV, gồm điều 11, điều 12 và điều 13. Trong đó điều 13 quy định về chế độ tài chính đã chỉ rõ: Việc quản lý, thu chi tài chính đảm bảo công khai minh bạch và đúng quy định. BQL trực tiếp quản lý thu, chi tất cả các khoản tiền công đức, tài trợ, tiến cúng cho di tích và hoạt động lễ hội; đảm bảo chặt chẽ công khai, minh bạch theo Thông tư 04/2023/TT-BTC ngày 19/1/1023 của Bộ Tài chính, văn bản hướng dẫn của Tỉnh, của thành phố, đảm bảo tiết kiệm và phù hợp với tình hình thực tế của di tích; dành kinh phí thỏa đáng để chi cho đầu tư, tôn tạo, trùng tu di tích.
Chương V, Tổ chức thực hiện gồm điều 14 và điều 15: Trưởng BQL và các thành viên BQL, các cơ quan, tổ chức cá nhân khi tham gia hoạt động liên quan đến di tích thực hiện Quy chế này.
Quy chế này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký 5/8/2024.
Thanh Minh
Trực tuyến: 7
Hôm nay: 364