Trang Thông tin điện tử Thành phố Tam Điệp
Thứ Bảy, 26/10/2024
Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử thành phố Tam Điệp!

Triển khai Sổ sức khỏe điện tử và cấp Phiếu Lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID trên toàn quốc

Thứ Tư, 02/10/2024 639 lượt xem
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 8 điểm ( 3 đánh giá )

Chiều 2/10, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai mở rộng thí điểm sổ sức khỏe điện tử và cấp phiếu lý lịch tư pháp thông qua ứng dụng VNeID trên toàn quốc. 

Đồng chí Phạm Minh Chính- Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị. 

   Dự và chủ trì hội nghị tại điểm cầu Thành phố Tam Điệp có đồng chí Hoàng Mạnh Hùng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố, Tổ trưởng Tổ công tác của UBND thành phố triển khai Đề án 06; Thành viên Tổ Công tác của UBND thành phố triển khai Đề án 06; Thành viên tổ giúp việc Tổ công tác của UBND Thành phố triển khai Đề án 06. 

  Chủ tịch UBND các phường, xã, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06 chủ trì tại điểm cầu phường xã.

Quang cảnh hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Thành phố Tam Điệp.

     Trước đó, thực hiện ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị sơ kết Đề án 06 trong 6 tháng đầu năm 2024, thời gian qua, Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, UBND các địa phương chuẩn bị các điều kiện về pháp lý, hạ tầng công nghệ, dữ liệu, nguồn lực để triển khai sổ sức khỏe điện tử, cấp phiếu Lý lịch tư pháp trên VNeID. Trong đó, giao 2 địa phương là Hà Nội và Thừa Thiên Huế thực hiện thí điểm 2 tiện ích nói trên theo các nghị quyết của Chính phủ. Đến nay, Bộ Y tế đã tạo lập hơn 32 triệu dữ liệu sổ sức khỏe điện tử cho người dân, trong đó có hơn 14 triệu công dân đã tích hợp sổ sức khỏe điện tử trên VNeID với 12.518/12.693 cơ sở khám, chữa bệnh BHYT và đồng bộ liên thông qua Bảo hiểm Xã hội Việt Nam để tích hợp vào VNeID. Bộ cũng tổ chức tập huấn cho 100% các cơ sở khám chữa bệnh tiếp nhận và sử dụng khi xuất trình trên VNeID. UBND thành phố Hà Nội đã tạo lập được sổ sức khỏe cho 7,5 triệu người dân (với 21 trường thông tin); 2,5 triệu sổ sức khỏe điện tử cho người dân với 48 trường thông tin. Sau hơn 4 tháng triển khai thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp tại Hà Nội và Thừa Thiên Huế, bước đầu đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Hà Nội tiếp nhận hơn 45.000 hồ sơ, Thừa Thiên Huế tiếp nhận hơn 5.000 hồ sơ cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID, chiếm hơn 70% tổng số hồ sơ yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp của 2 địa phương.

     Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương, đơn vị đánh giá kết quả triển khai thí điểm có nhiều điểm tích cực. Sổ sức khỏe điện tử giúp người dân có thể theo dõi tình trạng sức khỏe của mình, giảm bớt những thủ tục hành chính phức tạp, rườm rà. Hàng năm có thể tiết kiệm khoảng 1.150 tỷ đồng tiền mua sổ y bạ cho 230 triệu lượt người khám bệnh. Về phía các bệnh viện, khi dữ liệu được liên thông giữa các cơ sở khám, chữa bệnh sẽ tiết kiệm thời gian, chi phí cũng như giúp phục vụ chẩn đoán chính xác và hiệu quả trong công tác khám, chữa bệnh, tránh lãng phí. Về phía Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước có thể phân tích dữ liệu sức khỏe người dân để thống kê, tổng hợp, dự báo, đưa ra các chính sách quản lý nhà nước, chính sách củng cố, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân…  việc cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID ước tính sẽ giúp tiết kiệm khoảng 400 tỷ đồng mỗi năm cho người dân và xã hội.

    Lãnh đạo một số địa phương cũng đã báo cáo về tình hình chuẩn bị nhân lực, cơ sở vật chất, để triển khai sổ sức khỏe điện tử và cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID trên địa bàn;  những khó khăn, vướng mắc cần được hỗ trợ từ Bộ, ngành. Nổi bật là tiến độ làm sạch dữ liệu thông tin trong cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp còn chậm; hay cơ sở vật chất phục vụ chuyển đổi số tại nhiều đơn vị, Trung tâm Y tế địa phương còn hạn chế…

    Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận tại hội nghị. 

      Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tư tưởng chỉ đạo là chỉ bàn làm không bàn lùi, vừa làm vừa rút kinh nghiệm mở rộng dần, không cầu toàn không nóng vội, không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm. Cùng với đó quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, làm việc phải đúng trọng tâm trọng điểm, phân công phải rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả. Các bộ ngành địa phương phải tập trung xây dựng dữ liệu của mình theo tinh thần "đúng, đủ, sạch, sống, theo thời gian thực" và phải kết nối chia sẻ dữ liệu với nhau, trong đó có Sổ sức khỏe điện tử và Phiếu lý lịch tư pháp.

       Về mục tiêu, Thủ tướng nhấn mạnh, mỗi công dân Việt Nam kể cả những người chưa có thẻ bảo hiểm y tế đều sở hữu một sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VneID. Đến đầu năm 2025, 100% cơ sở y tế (công lập và tư nhân) và có 40 triệu người dân sử dụng Sổ sức khỏe điện tử và 100% người dân có nhu cầu được cấp phiếu Lý lịch tư pháp qua VneID.

        Về các nhiệm vụ giải pháp trọng tâm để thực hiện chuyển đổi số quốc gia và 2 ứng dụng này nói riêng một cách hiệu quả, thực chất, Thủ tướng chỉ rõ "5 đẩy mạnh" và "5 bảo đảm": Đẩy mạnh chuyển đổi số mạnh mẽ về cả tư duy và hành động; Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số; nâng cao năng lực quản lý nhà nước theo hướng hiện đại, công khai, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả; Đẩy mạnh phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành theo hướng tăng cường kết nối, liên thông, tích hợp, chia sẻ dữ liệu; Đẩy mạnh triển khai các tiện ích trên nền tảng VNeID để người dân, doanh nghiệp hưởng thụ thật; Đẩy mạnh thông tin truyền thông, tạo đồng thuận xã hội. 

"5 bảo đảm": Bảo đảm sự tham gia đồng bộ của tất cả các bộ, ngành, địa phương trong quá trình triên khai; Bảo đảm hạ tầng số, nền tảng số hoạt động ổn định, thông suốt, không được lõm sóng, lõm điện; Bảo đảm nhân lực để triển khai các ứng dụng, tiện ích, nền tảng số đủ năng lực, đủ tâm, đủ tầm, có trách nhiệm; Bảo đảm 100% người dân, doanh nghiệp có nhu cầu được tiếp cận dễ dàng, an toàn, tiện lợi, chi phí thấp và thu hút người dân tham gia góp ý trong quá trình thiết kế, sáng tạo; hướng đến cá nhân hóa các dịch vụ công trực tuyến được cung cấp; Bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin, tính riêng tư của thông tin, dữ liệu, dữ phải đảm bảo "đúng, đủ, sạch, sống, theo thời gian thực".

       Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ ngành địa phương, nhất là đối với Bộ Công an phối hợp với cơ quan liên quan tiếp tục hoàn thiện, tối ưu hóa các tiện ích hiện có trên ứng dụng VNeID, đảm bảo hệ thống hoạt động ổn định, an toàn, thuận tiện. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương chủ động nghiên cứu, phối hợp với Bộ Công an đề xuất triển khai, tích hợp tiếp những loại giấy tờ đang quản lý và cung cấp các tiện ích mới trên ứng dụng VNeID (như xác nhận tình trạng hôn nhân, thông báo thi hành án dân sự, thông tin giáo dục, đào tạo...).

      Thủ tướng cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết liệt triển khai cấp Phiếu lý lịch tư pháp, Sổ sức khỏe điện tử qua VNeID trên địa bàn, hoàn thành trong năm 2024; Khẩn trương nâng cấp hệ thống giải quyết TTHC đảm bảo kết nối thông suốt với các phần mềm nghiệp vụ của Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, hoàn thành trong năm 2024; Rà soát, làm sạch dữ liệu về Lý lịch tư pháp, án tích, xóa án tích; đồng bộ, rút ngắn thời gian cấp phiếu và xử lý thủ tục hành chính cho người dân, hoàn thành trong năm 2024.

     Thủ tướng nhấn mạnh: Chúng ta đang trên con đường xây dựng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, hướng tới nền kinh tế số tiên tiến, hệ thống quản lý hiện đại và toàn diện. Những tiện ích như Sổ sức khỏe điện tử và cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID sẽ là bước đi đầu tiên quan trọng để chúng ta tiến nhanh hơn trên con đường này. Tôi tin tưởng rằng, với sự quyết tâm của toàn hệ thống chính trị và sự đồng lòng của người dân, doanh nghiệp, chúng ta sẽ tiếp tục gặt hái những thành công lớn hơn trong việc phát triển và ứng dụng công nghệ số vào mọi mặt của đời sống.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ, ngành thực hiện nghi thức bấm nút triển khai Sổ sức khoẻ điện tử và cấp Phiếu lý lịch tư pháp thông qua ứng dụng VNeID trên toàn quốc

Kết thúc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nội đã thực hiện nghi thức kích hoạt triển khai Sổ sức khỏe điện tử và cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID trên toàn quốc.

Tố Lan 

Đăng nhập
Thống kê truy cập
Số lượt truy cập
852146

Trực tuyến: 24

Hôm nay: 458