Sáng 29/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá XIII về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở Vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại trụ sở Trung ương Đảng kết nối tới điểm cầu của các Ban, Bộ, ngành Trung ương và địa phương.
Tại điểm cầu Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đồng chủ trì Hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu thành phố.
Tại điểm cầu thành phố, đồng chí Vũ Thành Tôn, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy chủ trì hội nghị; các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố; Bí thư các đảng bộ, chi bộ trực thuộc; Trưởng, Phó các phòng, ban, ngành, MTTQ, tổ chức chính trị xã hội thành phố; cán bộ, đảng viên khối cơ quan Thành ủy, HĐND, UBND, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội thành phố dự hội nghị.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh trình bày những nội dung cơ bản của Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị khoá XIII về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở Vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045.; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh trình bày báo cáo chương trình hành động của Ban Cán sự Đảng Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết; Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương trình bày chương trình hành động của Ban Cán sự Đảng Quốc hội triển khai thực hiện Nghị quyết thể hiện quyết tâm rất cao trong việc đưa Nghị quyết vào cuộc sống.
Đại biểu dự tại điểm cầu thành phố.
Vùng đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, được phân thành 2 tiểu vùng là: Tiểu vùng Bắc đồng bằng sông Hồng (Đồng thời cũng là Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ), gồm 7 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên và Tiểu vùng Nam đồng bằng sông Hồng, gồm 4 tỉnh: Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình. Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, đây luôn luôn là địa bàn cốt lõi của Vùng Thủ đô, có ý nghĩa chiến lược, quan trọng bậc nhất của cả nước về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Qua 17 năm thực hiện Nghị quyết và Kết luận của Bộ Chính trị các khoá IX và XI, tỉ trọng đóng góp của Vùng ĐB Sông Hồng vào GDP cả nước tăng từ 26,9% năm 2010 lên 29,4% năm 2020; thu nhập bình quân đầu người cao hơn 1,3 lần so với bình quân chung cả nước; tổng thu ngân sách nhà nước của Vùng chiếm tới 32,7% tổng thu ngân sách của cả nước. Vùng đồng bằng sông Hồng vẫn còn một số mặt hạn chế, thực tế này đặt ra yêu cầu cần ban hành Nghị quyết mới, góp phần tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ, có tính đột phá trong công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở Vùng và cả nước trong giai đoạn phát triển mới.
Nghị quyết số 30-NQ/TW xác định, vùng đồng bằng sông Hồng là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế vượt trội để phát triển nhanh, bền vững vùng đồng bằng sông Hồng thực sự là vùng động lực phát triển hàng đầu, có vai trò định hướng, dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng; khai thác và phát huy các thế mạnh của vùng về địa chính tri, địa kinh tế, điều kiện tự nhiên, các giá trị văn hoá, lịch sử; huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là đất đai, nhân lực chất lượng cao; phát triển nhanh mạng lưới đô thị với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; đi đầu trong ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, xã hội số. Đồng thời tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút các nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế để tập trung phát triển các ngành sản xuất công nghiệp, dich vụ hiện đại và nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, xanh, tuần hoàn, bảo đảm vùng đồng bằng sông Hồng trở thành vùng phát triển hiện đại, văn minh, sinh thái dẫn đầu cả nước.
Một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 của vùng đồng bằng sông Hồng, Nghị quyết số 30-NQ/TW xác định, giai đoạn 2021 - 2030 tăng trưởng GRDP đạt bình quân khoảng 9%/năm. Đến năm 2030, GRDP vùng tăng khoảng 3 lần so với năm 2020 (giá hiện hành), trong đó nông, lâm và thủy sản chiếm khoảng 3,5%; công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 47%; dịch vụ chiếm khoảng 41%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm khoảng 8,5%....
Tại hội nghị, các đại biểu cũng được nghe các tham luận của lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo các địa phương trong vùng đồng bằng sông Hồng.
Sau khi nghe các ý kiến phát biểu của đại diện một số ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài phát biểu chỉ đạo, trong đó nhấn mạnh Vùng đồng bằng sông Hồng cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống văn hiến, cách mạng và anh hùng, nỗ lực phấn đấu, thực hiện thật tốt vai trò là trung tâm đầu não chính trị-hành chính quốc gia và động lực phát triển kinh tế hàng đầu của đất nước.
Đây là hội nghị hoàn tất việc ban hành và tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị khoá XIII đối với toàn bộ 6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước, tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cả nước cũng như trong các Vùng, nhằm sớm đưa các Nghị quyết quan trọng này vào cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển vùng - một vấn đề có ý nghĩa quan trọng cả về lý luận và thực tiễn trong việc phát triển nhanh, bền vững mỗi vùng nói riêng và cả nước nói chung. Qua hội nghị đã góp phần nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, quyết tâm chính trị của các cấp ủy, tổ chức Đảng, các cơ quan, các tổ chức, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn thành phố nhằm triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Kim Dung
Trực tuyến: 119
Hôm nay: 1068