Tam Điệp là thành phố miền núi của tỉnh Ninh Bình. Nằm ở phía Tây Nam của tỉnh, thành phố Tam Điệp là cửa ngõ nối đồng bằng Bắc Bộ với giải lãnh thổ ven biển miền Trung, là một trong ba vùng kinh tế trọng điểm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Bình. Tam Điệp còn là một địa danh cổ, có nhiều di chỉ khảo cổ học và cũng là vùng đất có vị trí quan trọng về quân sự qua các thời kỳ lịch sử của đất nước.
Thành phố Tam Điệp có diện tích tự nhiên là 10.497,9ha, với dân số 104.175 người và 9 đơn vị hành chính cấp xã. Phía Đông giáp huyện Yên Mô; phía Tây và Tây Nam giáp tỉnh Thanh Hóa; phía Bắc giáp các huyện Hoa Lư và Nho Quan. Nằm ở cửa ngõ nối đồng bằng Bắc Bộ với giải lãnh thổ ven biển miền Trung, Tam Điệp có hệ thống giao thông thuận lợi: Quốc lộ 1A chạy qua trung tâm; Quốc lộ 12B đi Nho Quan - Hòa Bình; tuyến đường sắt Bắc - Nam; có 2 ga Gềnh và Đồng Giao để vận chuyển hành khách - hàng hóa. Thành phố Tam Điệp cách thủ đô Hà Nội 100 km, cách thành phố Ninh Bình 12 km.
Tam Điệp là vùng đất cổ. Những dấu tích của người tiền sử được tìm thấy ở dãy núi Tam Điệp cho thấy từ xa xưa nơi đây đã có con người sinh sống, dấu vết của con người từ thời đại đá cũ (cách đây 3 vạn năm) được tìm thấy ở hang Thung Lang, nhiều vật dụng được tìm thấy ở hang chợ Ghềnh (hang núi Một) của con người thời đại đá mới (cách đây 3 nghìn năm). Tam Điệp nằm ở vùng giao thoa giữa các khu vực: Tây Bắc, đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ, với vị trí địa lý đặc biệt của mình Tam Điệp thời tiền sử và sơ sử đã trở thành một nơi chuyển tải các ảnh hưởng văn hóa từ lưu vực sông Mã ra phía Bắc và từ lưu vực sông Hồng vào phía Nam, từ vùng núi xuống biển và từ ven biển lên núi. Chính vì vậy, hẳn là bộ mặt văn hóa tiền sử và sơ sử vùng Tam Điệp phong phú và đa dạng.
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước lâu dài của dân tộc, vùng Tam Điệp giữ một vị trí chiến lược trọng yếu. Núi rừng Tam Điệp liền một mạch với giải núi rừng chạy dài từ Hòa Bình đến biển là bức trường thành tự nhiên án ngữ tất cả các đường giao thông thủy – bộ, bắc – nam qua vùng này. Nhân dân ta vừa khai phá các đường giao thông đó nhằm mở rộng mối giao lưu kinh tế - văn hóa trong nước, vừa triệt để lợi dụng thế thiên hiểm để bịt kín các đường giao thông đó khi cần ngăn chặn kẻ thù từ Bắc tiến vào. Lịch sử đã chứng minh vị trí chiến lược của vùng Tam Điệp trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và cả trong một số cuộc nội chiến do các thế lực phong kiến gây ra.
Về mặt quân sự, Tam Điệp giữ một vị trí quan trọng vì đèo Ba Dội nằm trong dãy Tam Điệp là một cửa giao thông hiểm yếu giữa Ninh Bình và Thanh Hóa, dùng đường bộ từ Thăng Long vào Thanh Hóa hay từ Đàng Trong ra Đàng Ngoài, đều phải vượt đèo này. Hiện tại, nơi đây là đại bản doanh của Quân đoàn 1 - Binh đoàn Quyết Thắng, là một trong bốn binh đoàn chủ lực của quân đội nhân dân Việt Nam. Ngoài ra còn đơn vị quân đội khác đóng quân trên địa bàn là Lữ đoàn 279 - Bộ tư lệnh Công Binh.
Thời thuộc nhà Hán, đèo Tam Điệp được gọi là Cửu Chân Quan, là cửa ải giữa quận Cửu Chân và quận Giao Chỉ. Sau khi cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng thất bại, căn cứ Cấm Khê mất, một số nghĩa quân lui xuống vùng Tam Điệp - Thần Phù để tiếp tục cuộc chiến đấu. Đầu thế kỷ 10, Dương Đình Nghệ và Ngô Quyền đã dựa vào sự hiểm trở của Tam Điệp để xây dựng và bảo vệ lực lượng ở Thanh Hóa, rồi tiến ra đánh bại quân xâm lược Nam Hán ở thành Đại La và sông Bạch Đằng. Trong cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên, triều đình nhà Trần đã sử dụng bức trường thành Tam Điệp để bảo vệ hậu phương Ái Châu - Diễn Châu và làm chỗ dựa cho căn cứ Thiên Trường - Trường Yên. Năm 1527, nhà Mạc thay nhà Hậu Lê. Nhà Mạc tách lấy hai phủ Trường Yên và Thiên Quan của thừa tuyên Sơn Nam làm Thanh Hoa ngoại trấn. Vì lúc ấy, nhà Mạc chiếm giữ từ dãy núi Tam Điệp trở ra Bắc để chống lại nhà Hậu Lê. Vua Lê Trang Tông đã đắp lũy ở Tam Điệp để chống quân Mạc.
Vùng đất Tam Điệp là phòng tuyến kháng chiến của triều đại Tây Sơn thế kỷ 17, mảnh đất gắn với tên tuổi của anh hùng Quang Trung trong sự nghiệp giải phóng Thăng Long. Do ở vào vị trí chiến lược ra Bắc vào Nam, vùng đất này đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử oai hùng của dân tộc mà dấu tích lịch sử còn để lại trong các địa danh và di tích. Hệ thống các di tích lịch sử - văn hóa ở Tam Điệp gắn liền với tín ngưỡng thờ phụng vua Quang Trung.
Cũng như các vùng miền núi Ninh Bình, dãy núi đá vôi ở Tam Điệp tạo ra nhiều hang động kỳ thú như: động Trà Tu, động Tam Giao. Một yếu tố khác vô cùng quan trọng, góp phần không nhỏ làm nên diện mạo đa dạng, phong phú của văn hoá Ninh Bình, đó là sự lưu lại dấu ấn văn hoá của các tao nhân mặc khách khi qua vùng sơn thanh thuỷ tú này. Các đế vương, công hầu, khanh tướng, danh nhân văn hoá lớn về đây, xếp gương, đề bút, sông núi hoá thành thi ca như bài "Cửu Chân Quan" của Ngô Thì Sĩ và tấm bia khắc bài thơ “Quá Tam Điệp sơn” của vua Thiệu Trị làm năm 1842 khi đi tuần du qua núi Tam Điệp... Nhân cách bác học và phẩm cách văn hoá lớn của các danh nhân đó đã thấm đẫm vào tầng văn hoá địa phương, được nhân dân tiếp thụ, sáng tạo, làm giàu thêm sắc thái văn hoá Ninh Bình.
Là một trong ba vùng kinh tế trọng điểm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Tam Điệp có nhiều tiềm năng, đặc biệt là lợi thế trong phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch, phát triển đô thị.
Cùng với quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh trên địa bàn thành phố, kinh tế -xã hội của thành phố những năm gần đây có sự chuyển biến tích cực: cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng tăng tỷ trọng ngành nghề TTCN và dịch vụ chiếm tỷ trọng gần 88% giá trị sản lượng. Hiện nay, lao động phi nông nghiệp chiếm gần 76% lực lượng lao động, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao. Hạ tầng kỹ thuật như: giao thông, điện chiếu sáng, thông tin liên lạc, cấp thoát nước, trường học, trạm y tế được đầu tư đồng bộ.
Có thể khẳng định, với những tiềm năng, lợi thế, đặc biệt là địa phương xây dựng khu công nghiệp đầu tiên của tỉnh, đã tạo điều kiện thuận lợi để thành phố Tam Điệp phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp được đầu tư và đang phát huy hiệu quả như: chế biến rau quả xuất khẩu, sản xuất giấy, bao bì, thiết bị y tế, sản xuất vật liệu xây dựng, xi măng, gang thép, gạch, đá…Trong phát triển nông nghiệp, thành phố tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại, kinh tế vườn đồi, chăn nuôi gia súc, gia cầm có giá trị kinh tế cao. Đến nay, cây Đào phai Tam Điệp gắn liền với sự tích chiến thắng của vua Quang Trung đã trở thành thương hiệu có tiếng được nhiều địa phương trong cả nước biết đến mỗi khi Tết đến, xuân về. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 300 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 25 triệu đồng/người/năm. Dân số thành phố những ngày đầu thành lập khoảng gần 17 nghìn người, đến nay là hơn 104 nghìn người, trong đó khu vực nội thị gần 53 nghìn người. Tỷ lệ tăng dân số hàng năm là gần 2%, mật độ dân số khu vực nội thị: 5.004 người/km2.
Cảnh quan đô thị được chỉnh trang, hệ thống hạ tầng khu vực nội thị dần đáp ứng được vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế - xã hội vùng Tây Nam của tỉnh. Tốc độ đô thị hóa và tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức cao, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện về nhiều mặt. Diện tích nhà ở bình quân cho khu vực nội thị đạt 23,5m2 sàn/người. Tỷ lệ nhà kiên cố đạt trên 93%. Hệ thống công trình dịch vụ công cộng cấp đô thị và đất xây dựng các công trình dịch vụ công cộng đô thị đạt gần 5m2/người; diện tích đất xây dựng công trình công cộng cấp khu ở đạt gần 3m2/người, tỷ lệ đất dân dụng đạt 63,5 m2/người.
Sự nghiệp giáo dục và đào tạo phát triển toàn diện và đạt kết quả vững chắc. 100% các trường mầm non và THCS đạt chuẩn Quốc gia. 6/7 trường tiểu học đạt chuẩn Quốc gia mức 2; Trường THPT Nguyễn Huệ là trường đạt chuẩn Quốc gia đầu tiên của tỉnh. Các nhà trường đều đáp ứng tốt nhu cầu học tập của con em địa phương. Bên cạnh đó, có 6 cơ sở giáo dục chuyên nghiệp và dạy nghề, đó là: Trường cao đẳng nghề cơ điện xây dựng Tam Điệp, trường cao đẳng nghề Cơ Giới Ninh Bình, 2 trường Trung học dạy nghề của Quân đội và trung tâm dạy nghề thành phố với quy mô diện tích, chất lượng đào tạo tốt, đáp ứng được nhu cầu đào tạo nhân lực có chất lượng cho địa phương và đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH.
Công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân được quan tâm, đáp ứng tốt nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân, lực lượng vũ trang thành phố và nhân dân một số huyện lân cận. Toàn thành phố có 2 bệnh viện, trung tâm y tế chuyên khoa tuyến tỉnh đóng trên địa bàn, với 9 trạm y tế xã, phường; 30 phòng khám đa khoa tư nhân, 98 cơ sở dược và cơ sở đào tạo với 445 giường bệnh, đạt tỷ lệ trên 5,4 giường bệnh/1.000 dân. Trong những năm qua, thành phố luôn làm tốt các chính sách an sinh xã hội, quan tâm đến các gia đình chính sách, người có công và các đối tượng bảo trợ xã hội; phát huy nguồn lực xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động. Đã xây dựng nhiều cơ chế, chính sách thu hút lao động kỹ thuật, ưu tiên đào tạo, sắp xếp lao động chuyển đổi nghề nghiệp cho người nông dân. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn thành phố giảm còn 2,68%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo khu vực nội thị chỉ còn 1,85%.
Bên cạnh việc chăm lo, cải thiện đời sống vật chất cho nhân dân, thành phố Tam Điệp cũng tích cực đầu tư nâng cao các hoạt động văn hóa tinh thần nhằm đáp ứng tốt hơn nữa mong mỏi của người dân. Các khu vui chơi, giải trí, khu công viên, đài tưởng niệm, các công trình thể dục thể thao đa dạng với 35 công trình, trong đó có 1 khu liên hợp thể thao với diện tích rộng gần 15 ha, có sức chứa trên 10 nghìn người, 10 sân bóng đá, 7 nhà thi đấu, nhà tập luyện, 14 sân quần vợt, 3 bể bơi…Toàn thành phố có 8 công trình văn hóa là nhà văn hóa thành phố, nhà văn hóa thiếu nhi, nhà văn hóa các phường, bảo tàng Hồ Chí Minh, thư viện thành phố, bảo tàng Binh đoàn Quyết Thắng với nhiều hiện vật mang giá trị lịch sử. Đặc biệt, thành phố đã hoàn thành quy hoạch công viên quảng trường Hoàng đế Quang Trung với diện tích gần 70 ha. Đến nay 100% thôn, tổ có nhà văn hóa phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân.
Các giá trị tinh hoa văn hóa dân tộc được phát huy, phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng tiếp tục được nâng cao phục vụ đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân. Đồng thời,chú trọng việc bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa như đền Dâu, Quán Cháo, chùa Quang Sơn, đền Thánh Mẫu, đình làng Quang Hiển, phòng tuyến Tam Điệp – Biện Sơn. Đẩy mạnh các hoạt động phát triển du lịch như du lịch sinh thái hồ Yên Thắng, du lịch đồi Dù, du lịch nghỉ dưỡng, câu cá, bơi thuyền, chơi golf thuộc khu liên hợp thể thao sân golf 54 hố.
Đối với tiêu chuẩn cấp điện sinh hoạt khu vực nội đô đạt 1.600 kwh/người/năm. Tỷ lệ đường phố chính và ngõ hẻm được chiếu sáng đạt 98% và 75%. Hệ thống bưu chính, viễn thông phát triển mạnh mẽ, phục vụ tốt cho nhu cầu thông tin, liên lạc của nhân dân,đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, học tập và làm việc. Trên địa bàn thành phố có nhà máy cấp nước, công suất trên 12.000 m3/ngày đêm. Đảm bảo cấp nước sạch sinh hoạt khu vực nội đô đạt trên 130 lít/người/ngày đêm, đạt 98,5% dân số thành phố.
Trong định hướng phát triển đô thị của thành phố Tam Điệp, công tác bảo vệ môi trường luôn được xác định là điều kiện tiên quyết trong việc xây dựng một đô thị văn minh bền vững và được tập trung đầu tư. Không xây khu chung cư cao tầng, phát triển nhà ở theo chiều sâu chứ không theo chiều dài quốc lộ là một nét độc đáo mà Tam Điệp hướng tới. Hệ thống thoát nước sinh hoạt khu vực nội đô có tổng chiều dài gần 17km. Tỷ lệ nước thải sinh hoạt được xử lý đạt 27%. Hầu hết các cơ sở sản xuất khi xin cấp phép đầu tư xây dựng mới tại địa bàn thành phố đều đảm bảo có biện pháp xử lý nước thải và tuân thủ các quy định về xử lý nước thải. Tỷ lệ chất thải rắn khu vực nội đô được thu gom, xử lý đạt 91%. Nhà máy xử lý chất thải rắn Ninh Bình tại Thung Quèn Khó, xã Đông Sơn đã đi vào hoạt động với công suất xử lý 200 tấn rác/ngày đêm, nhằm giải quyết triệt để chất thải rắn từ khâu thu gom đến xử lý chế biến phân vi sinh cung cấp cho nông nghiệp và sản phẩm phụ cho công nghiệp, giải quyết việc làm cho gần 100 lao động. Đây là công trình có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và xây dựng nếp sống văn minh đô thị của thành phố Tam Điệp.
Diện tích đất cây xanh toàn thành phố hiện có gần 870 nghìn m2, đạt gần 10 m2/người. Diện tích đất cây xanh công cộng khu vực nội đô là gần 360m2. Để đảm bảo cân bằng sinh thái, tạo cảnh quan đô thị, thành phố đã lập quỹ đất trồng cây xanh trong các khu đất xây dựng đô thị, đẩy mạnh công tác trồng rừng ở các khu đồi núi thuộc nội thành tạo cảnh quan đẹp, phục hồi môi trường sinh thái tự nhiên.
Sau khi được công nhận là đô thị loại III, từ năm 2012 đến nay, thành phố phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh thực hiện xây dựng chương trình phát triển đô thị để huy động các nguồn lực, tiếp tục chỉnh trang, nâng cấp, phát triển đô thị. Tăng cường xây dựng các khu đô thị mới nhưng không chú trọng phát triển chiều cao mà hài hòa với khung cảnh thiên nhiên, khu du lịch sinh thái, hệ thống điện chiếu sáng, nâng cấp nhà thiếu nhi, nghĩa trang, các tuyến đường, vỉa hè. Ưu tiên triển khai quy hoạch và xây dựng công viên và quảng trường trung tâm, khu liên hiệp thể thao (giai đoạn 2); nâng cấp, chỉnh trang 7 tuyến phố văn minh là: Đồng Giao, Trương Hán Siêu, Kim Đồng, Thanh Niên, Quyết Thắng, Núi Vàng, Lê Hồng Phong; Quy hoạch hệ thống đường giao thông nội đô; xây dựng hệ thống trung tâm thương mại, chợ, siêu thị trên địa bàn... và một số các công trình phụ trợ khác đảm bảo xứng tầm là 1 thành phố trung tâm về kinh tế, văn hóa, khoa học kĩ thuật của tỉnh. Bên cạnh đó, công tác quốc phòng địa phương được tăng cường, an ninh chính trị, TTATXH được giữ vững. Thường xuyên xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, tạo môi trường ổn định để phát triển KT-XH.
Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm của cấp ủy, chính quyền các cấp, Đảng bộ và nhân dân thành phố đang nỗ lực vượt khó, đoàn kết, nhất trí, có những cách làm sáng tạo, hiệu quả, góp phần thúc đẩy KT – XH địa phương ngày càng phát triển.
19
587