Những ngày tháng bảy, cả nước lại lặng mình tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho hòa bình, độc lập và tri ân cho người trở về sau đạn bom khói lửa, gửi lại một phần máu xương trên chiến trường để bảo vệ bình yên cho Tổ quốc, cho nhân dân. Chiến tranh đã lùi xa nhưng hình ảnh các anh, các chị vẫn sống mãi trong lòng đất mẹ, sống mãi trong các thế hệ hôm nay và mai sau. Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2022) và kỷ niệm 40 năm ngày thành lập thị xã (nay là thành phố) Tam Điệp (17/12/1982-17/12/2022), từ ngày 30/6 đến ngày 3/7/2022, Thành ủy, HĐND, UBND, UB MTTQVN thành phố Tam Điệp tổ chức Đoàn đại biểu đi thăm viếng, thắp hương tri ân, tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ tại nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn, nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Đường 9; Khu di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị và các khu di tích lịch sử Truông Bồn, Ngã ba Đồng Lộc. Đây thực sự là một vùng đất linh thiêng, huyền thoại, nơi mang trong mình nỗi đau thương chiến tranh một thuở, nhưng vẫn vang lên bản anh hùng ca bất diệt của lòng yêu nước và ý chí kiên cường chống giặc ngoại xâm của dân tộc.
Tham gia đoàn đại biểu gồm 27 cán bộ, do đồng chí Bùi Thành Đông, Tỉnh ủy viên, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố Tam Điệp làm Trưởng đoàn; đồng chí Hoàng Mạnh Hùng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố, các đồng chí UVBTV Thành ủy, lãnh đạo một số phòng, ban, đơn vị tham gia đoàn công tác.
Đoàn dâng hương và đặt vòng hoa tại Khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn.
Điểm dừng chân đầu tiên của Đoàn là Khu di tích lịch sử Truông Bồn, xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An). Mùi hương trầm hòa trong không gian thiêng liêng ở Khu di tích lịch sử Truông Bồn khiến cho đoàn đại biểu thành phố Tam Điệp đến thăm nơi đây vào dịp Tri ân trở nên nghẹn ngào, xúc động. Truông Bồn đã trở thành vùng đất thiêng liêng, biểu tượng sáng ngời của lực lượng thanh niên xung phong, của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Địa danh Truông Bồn đã đi vào lịch sử, trở thành một dấu son, là niềm tự hào của các thế hệ người dân Việt Nam.
Với giọng nói trầm ấm, truyền cảm, thuyết minh viên Khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn đã đưa đoàn đại biểu ngược dòng thời gian, trở về quá khứ, để cảm nhận và hiểu hơn về địa danh thấm đẫm biết bao máu xương của các chiến sĩ.
Trong chiến tranh, cung đường độc đạo Truông Bồn có vị trí đặc biệt quan trọng, bởi là nơi kết nối các huyết mạch giao thông của ta từ hậu phương lớn miền Bắc chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Nơi đây, chứng tích hào hùng, bất hủ ghi dấu những chiến công và sự hy sinh oanh liệt của quân và dân ta trong cuộc đấu tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc trong thế kỷ 20. Tiêu biểu là chiến công và sự hy sinh oanh liệt vào ngày 31-10-1968 của 13 chiến sĩ thanh niên xung phong “Tiểu đội cảm tử” anh hùng thuộc Đại đội thanh niên xung phong 317, Đội 65, Tổng đội thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước tỉnh Nghệ An. Nắm được vị trí chiến lược của Truông Bồn, đế quốc Mỹ đã không tiếc bom đạn hủy diệt, hòng cắt đứt mạch máu giao thông của ta. Chỉ tính từ năm 1964-1968, giặc Mỹ đã trút xuống nơi đây gần 20 nghìn quả bom các loại, hàng chục nghìn tên lửa, trung bình mỗi km ở Truông Bồn phải hứng chịu hơn 4.000 quả bom... Nơi mà trận bom khủng khiếp và tàn khốc ấy đã cướp đi sinh mạng của 11 cô gái và 2 chàng trai khi mà chỉ còn ít giờ nữa, Mỹ tuyên bố ngừng ném bom trên toàn miền Bắc. Sau trận bom tàn khốc, đồng đội lao ra tìm kiếm, tìm mãi, gọi mãi nhưng không một ai trả lời, từng lớp đất, hòn đá được lật tung. Trong nỗ lực đó, đồng đội tìm thấy chị Trần Thị Thông bị vùi sâu bên cạnh hố bom và vẫn còn cơ hội sống sót, còn lại 13 chiến sĩ thân thể đã hòa lẫn vào đất đá, cỏ cây. Tất cả những gì tìm được chỉ là những phần thi thể không còn nguyên vẹn hình hài. Có những nỗi đau không thể nói thành lời, có những hy sinh không sử sách nào ghi hết, các chiến sĩ thanh niên xung phong đã sống và chiến đấu vì lý tưởng chung của cả dân tộc; họ đã lấy máu xương, tuổi thanh xuân của mình để hiến dâng cho Tổ quốc, đó là kết tinh cao đẹp của tinh thần yêu nước, ý chí quyết thắng chống giặc ngoại xâm để viết nên một huyền thoại Truông Bồn trong thế kỷ 20.
Đoàn dâng hương tưởng niệm tại Nghĩa trang Trường Sơn.
Đoàn thắp hương tri ân các Anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang Trường Sơn.
Tại Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Trường Sơn, trong giây phút trang nghiêm, thành kính, thay mặt Đảng bộ, quân và dân thành phố Tam Điệp, đồng chí Bí thư Thành ủy và đồng chí Chủ tịch UBND thành phố đã thỉnh 9 tiếng chuông, cùng đoàn công tác kính cẩn dâng hương, dành phút mặc niệm tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh vì nền độc lập, tự do thống nhất đất nước được an nghỉ tại Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, bày tỏ sự biết ơn sâu sắc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đối với công lao to lớn của các anh hùng liệt sỹ. Đoàn đại biểu cũng đến dâng hương tại Nhà bia ghi danh liệt sỹ có nguyên quán Ninh Bình. Đây là công trình thể hiện tấm lòng tri ân của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ninh Bình đối với các anh hùng liệt sỹ và là "địa chỉ đỏ" giáo dục thế hệ trẻ về lòng tự hào dân tộc, về ý chí tự lực tự cường trong dựng nước và giữ nước cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương. Sau lễ dâng hương, các đồng chí trong đoàn đã thắp hương lên từng phần mộ các Anh hùng liệt sỹ.
Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Trường Sơn quy tụ 10.333 phần mộ của các liệt sỹ, trong đó có 265 liệt sỹ là người Ninh Bình đã hy sinh trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Đây là một công trình “Đền ơn, đáp nghĩa” đồ sộ nhất, quy mô nhất có tính nghệ thuật cao, thể hiện lòng thương nhớ sâu sắc, niềm biết ơn và sự tôn vinh thầm kín của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đối với những người con yêu quý trên mọi miền đất nước đã không tiếc máu xương cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng và thống nhất đất nước.
Đồng chí Bùi Thành Đông, tỉnh ủy viên, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố Tam Điệp; đồng chí Hoàng Mạnh Hùng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố làm lễ thỉnh chuông tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9.
Tại Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia đường 9, sau khi dâng hương tại Đài tưởng niệm Bác Hồ, tỏ lòng thành kính trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong không khí linh thiêng, đồng chí Bí thư Thành ủy và đồng chí Chủ tịch UBND thành phố đã thỉnh chuông và cùng đoàn dâng hương, hoa, dành phút mặc niệm, kính cẩn tưởng nhớ tri ân công lao các anh hùng liệt sỹ - những người đã hiến trọn tuổi thanh xuân, hy sinh máu xương vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Nghĩa trang liệt sỹ đường 9 là nơi yên nghỉ của hơn một vạn các anh hùng, liệt sỹ của các lực lượng : bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và thanh niên xung phong đã từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên mặt trận đường 9 và ở đất bạn Lào trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ. Bộ đội chủ lực phần lớn là các sư đoàn 308, 304, 312, 968, 324, 320.. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đường số 9 là một con đường chiến lược của Mỹ - nguỵ, nối liền từ biên giới Việt Lào về tới Ðông Hà. Dọc trục đường số 9, Mỹ - ngụy đã cho xây dựng các căn cứ quân sự, các cứ điểm và lô cốt nhằm cắt đứt sự chi viện của quân và dân miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Ðường 9 đã đi vào huyền thoại của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ bởi những chiến công thật hào hùng và oanh liệt; đồng thời đó cũng là nổi ám ảnh, kinh hoàng cho binh lính Mỹ, ngụy trong những năm 1965 - 1972.
Đoàn viếng các Anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9.
Đồng chí Bùi Thành Đông, Tỉnh ủy viên, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Tam Điệp ghi cảm tưởng vào Sổ lưu bút tại Khu tưởng niệm Bác Hồ tại nghĩa trang quốc gia đường 9.
Đến Khu Di tích Thành Cổ Quảng Trị, Đoàn tiến hành dâng hoa, dâng hương khu vực Đài tưởng niệm, tri ân các Anh hùng liệt sỹ đã anh dũng hy sinh trong chiến dịch 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa năm 1972 bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Được ví như một nghĩa trang không bia mộ, Thành Cổ Quảng Trị là nơi yên nghỉ của hàng vạn chiến sỹ. Sự hy sinh cao cả của các anh mãi mãi được khắc ghi và biết ơn trong các thế hệ người Việt Nam. Hàng ngàn chiến sỹ trẻ tuổi vừa mười tám đôi mươi đã vĩnh viễn nằm xuống để viết nên bản hùng ca về tinh thần quả cảm, sự hy sinh anh dũng vì độc lập, tự do, thống nhất nước nhà. Mỗi nén nhang, mỗi nhành hoa là lời tri ân sâu sắc của những người được sống trong hòa bình, hạnh phúc đối với các anh hùng liệt sỹ.
Đoàn dâng hương và đặt vòng hoa tưởng niệm tại Thành cổ Quảng trị.
Điểm dừng chân cuối cùng của Đoàn là Khu Di tích Lịch sử Ngã ba Đồng Lộc, nơi bắt đầu con đường Trường Sơn lịch sử. Nhắc đến Ngã ba Đồng Lộc là nhắc tới tấm gương anh dũng hy sinh của 10 cô gái thanh niên xung phong khi họ mới mười tám, đôi mươi; càng khâm phục hơn khi đến ngày thứ 3 đồng đội mới tìm thấy thi thể của chị Hồ Thị Cúc trên đồi Trọ Voi trong tư thế ngồi, đầu đội nón, bên cạnh là cái cuốc, 10 đầu ngón tay bị ứa máu vì đang bới đất để tìm đường ra. Các chị đã vĩnh viễn nằm lại ngã ba huyết mạch Bắc - Nam này như họ đã chung một chiến hào lúc còn sống. Tên tuổi của các chị đã trở thành bất tử như nhà thơ Vương Trọng đã viết trong bài thơ: “Lời thỉnh cầu giữa Ngã ba Đồng Lộc năm 1995: … Hai bảy năm trôi qua chúng tôi không thêm một tuổi nào…”.
Đoàn viếng tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tại Khu Di tích Lịch sử Ngã ba Đồng Lộc.
Trong không khí trang nghiêm, thành kính, đồng chí Bí thư Thành ủy và các thành viên trong đoàn đã đến đặt vòng hoa, dâng hương tại Nhà bia tưởng niệm các liệt sĩ TNXP toàn quốc; dâng hương, dành phút mặc niệm và thắp hương trên mộ 10 nữ anh hùng liệt sĩ TNXP Ngã ba Đồng Lộc. Trước anh linh các liệt sỹ, đoàn đại biểu thành phố Tam Điệp đã bày tỏ lòng biết ơn vô hạn trước sự hy sinh to lớn của những người con ưu tú vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Các anh, các chị mãi mãi là tấm gương tiêu biểu cho lòng yêu nước, ý chí quật cường, cống hiến, hy sinh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Tam Điệp nguyện phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, tích cực chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đối tượng chính sách ngày càng tốt hơn; phấn đấu tiếp tục xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp và phát triển để xứng đáng với sự hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sĩ.
Đoàn dâng hương tưởng niệm các phần mộ liệt sỹ tại Khu Di tích Lịch sử Ngã ba Đồng Lộc.
Trên khắp các nghĩa trang, tượng đài liệt sỹ đều ăm ắp hương hoa, đó là tiếng lòng mà đồng bào, đồng đội, người thân tưởng nhớ đến các anh hùng đã hi sinh vì Tổ quốc. Và, cũng trong khói hương trầm nghi ngút ấy, có rất nhiều câu chuyện khiến người nghe rưng rưng, xúc động...
Trải qua hành trình 4 ngày đến với các địa chỉ đỏ của nhiều tỉnh miền Trung, mỗi nơi đến thăm, Đoàn đều trang trọng làm lễ dâng hoa, dâng hương, thể hiện tấm lòng thành kính và biết ơn sâu sắc nhất với anh linh của các anh hùng liệt sĩ, những người có công với cách mạng. Từ những trải nghiệm về chuyến hành trình, các thành viên trong Đoàn đã phần nào hiểu hơn về sự khốc liệt của chiến tranh; công lao, sự hy sinh to lớn của những người con Việt Nam ưu tú nhất đã không tiếc máu xương, dâng hiến thứ quý giá nhất của mình là tuổi trẻ - sự sống cho sự trường tồn của dân tộc, cho tình hữu nghị và nghĩa vụ quốc tế cao cả. Chuyến hành trình đầy ý nghĩa của Đoàn đại biểu thành phố Tam Điệp thể hiện sự trân trọng, biết ơn những đóng góp, hy sinh của bao lớp người sẵn sàng xả thân vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Đây là hoạt động vô cùng ý nghĩa của thành phố Tam Điệp trong những ngày tháng bảy lịch sử, đặc biệt thể hiện tấm lòng tri ân “ uống nước nhớ nguồn” hướng tới kỷ niệm 40 năm ngày thành lập thị xã (nay là thành phố) Tam Điệp (17/12/1982-17/12/2022). Là hoạt động chính trị có ý nghĩa sâu sắc được lãnh đạo thành phố đặc biệt quan tâm tổ chức nhân dịp các ngày lễ, kỷ niệm của đất nước, của thành phố; thể hiện lòng tri ân của thế hệ hôm nay đối với sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, không tiếc máu xương, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng đất nước, giải phóng dân tộc. Trước anh linh các Anh hùng Liệt sỹ, thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố, đồng chí Bí thư Thành ủy và các đồng chí cùng đi nguyện bày tỏ quyết tâm sẽ giữ vững khối đại đoàn kết, phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần cách mạng của cha ông, đẩy mạnh các phong trào thi đua, làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, xây dựng quê hương Tam Điệp ngày càng giàu đẹp, văn minh; xứng đáng với sự hy sinh của các Anh hùng Liệt sỹ.
Tố Lan
Một số hình ảnh Tri ân các Anh hùng liệt sỹ tại miền Trung:
Trực tuyến: 109
Hôm nay: 1225