Trang Thông tin điện tử Thành phố Tam Điệp
Chủ Nhật, 22/12/2024
Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử thành phố Tam Điệp!

Tập trung chỉ đạo công tác quản lý di tích lịch sử - văn hóa Đền Dâu, Đền Quán Cháo theo đúng quy định

Chủ Nhật, 31/12/2023 1842 lượt xem
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Sáng 29 – 12, tại phòng hội thảo Nhà văn hóa Thành phố, UBND thành phố tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ quản lý di tích lịch sử - văn hóa Đền Dâu, Đền Quán Cháo theo mô hình mới.

Đồng chí Bùi Thành Đông, Tỉnh ủy viên, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo công tác tôn giáo thành phố dự và chỉ đạo Hội nghị. Đồng chí Vũ Thành Tôn, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; đồng chí Hoàng Mạnh Hùng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố các đồng chí lãnh đạo HĐND, UBND thành phố; lãnh đạo một số phòng, ban, ngành của thành phố; lãnh đạo công an thành phố; thành viên Ban quản lý di tích lịch sử - văn hóa Đền Dâu, Đền Quán Cháo; các đồng chí Thường trực Đảng ủy, lãnh đạo UBND, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội phường Yên Bình, Nam Sơn, Tây Sơn; Bí thư chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố, thành viên Ban công tác Mặt trận tổ dân phố Lý Nhân và đại diện Ban quản lý Đền Dâu, Đền Quán Cháo (do UBND phường Yên Bình công nhận) dự hội nghị.

Báo cáo của UBND thành phố đã chỉ rõ: Thực hiện Văn bản số 32/TB-TTHĐ ngày 06/9/2023 của Thường trực HĐND tỉnh, Văn bản số 672/UBND-VP6 ngày 05/9/2023 của UBND tỉnh; Thông báo số 1110-TB/TU ngày 24/7/2023 của Thường trực Thành ủy và Thông báo số 1225-TB/TU ngày 08/12/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy. Đến nay, UBND thành phố đã ban hành các quyết định thành lập các Ban quản lý di tích lịch sử - văn hóa và các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện và dự thảo quy chế hoạt động của các Ban quản lý theo mô hình mới; tổ chức các hội nghị để phổ biến, tuyên truyền, quán triệt triển khai các văn bản chỉ đạo của tỉnh, thành phố, đồng thời lấy ý kiến đóng góp vào một số dự thảo văn bản, cụ thể là: (1) Hội nghị xem xét, thống nhất một số nội dung về việc thành lập Ban quản lý các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn; (2) Hội nghị công bố các quyết định thành lập Ban Quản lý các di tích lịch sử - văn hóa đã xếp hạng trên địa bàn; (3) Hội nghị triển khai thực hiện công tác quản lý hoạt động của Ban Quản lý di tích lịch sử - văn hóa Đền Dâu, Đền Quán Cháo; (4) Hội nghị tuyên truyền lấy ý kiến người dân tham gia vào các dự thảo Quy chế hoạt động của Ban Quản lý di tích lịch sử - văn hóa Đền Dâu, Đền Quán Cháo theo mô hình mới. 

Tại hội nghị đã có 9 lượt đại biểu phát biểu thảo luận. Đại đa số các ý kiến cho rằng Đền Dâu, Đền Quán Cháo đã có cách đây trên 200 năm, gắn liền với tên tuổi và chiến công hiển hách của Vua Quang Trung - Nguyễn Huệ và nghĩa quân Tây Sơn; là nơi giáo dục truyền thống lịch sử; là nơi tưởng nhớ công ơn Thánh Mẫu của người dân Việt Nam từ bao đời nay. Đây là tài sản tinh thần vô giá của nhân dân, cần phải quản lý theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên hiện tại, việc quản lý, khai thác, bảo tồn, trùng tu, tôn tạo chưa xứng tầm với di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh; nhiều hạn chế, bất cập, gây bức xúc trong dư luận và du khách chiêm bái, ảnh hưởng đến đời sống tâm linh của nhân dân và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh trật tự; nhất là việc giao cho một số người cao tuổi của thôn Lý Nhân trực tiếp quản lý, khai thác là chưa đúng quy định.

 Đồng chí Bùi Thành Đông, Tỉnh ủy viên, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo công tác tôn giáo thành phố phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Sau khi nghe các đại biểu dân chủ, thẳng thắn thảo luận, ý kiến đề xuất của đại diện quản lý hai ngôi đền của thôn Lý Nhân phát biểu, đồng chí Bùi Thành Đông, Tỉnh ủy viên, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo công tác tôn giáo thành phố phát biểu khẳng định: Việc bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh của các di tích lịch sử văn hóa không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà còn là sự nghiệp của toàn dân. Trong suốt quá trình phát triển đi lên của quê hương, đất nước, vùng đất Đồng Giao - Tam Điệp thuở xa xưa còn hoang vu, dân cư rất thưa thớt, đến khi thành lập Nông trường Đồng Giao và ngày nay là thành phố Tam Điệp, các thế hệ người dân Tam Điệp, Nhân dân Lý Nhân cùng du khách thập phương đã đóng góp, xây dựng, gìn giữ, trùng tu, tôn tạo, bảo quản và phát huy giá trị của di tích lịch sử - văn hóa này, đến năm 2009, đền Dâu và đền Quán Cháo đã được UBND tỉnh xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh; góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh của thành phố Tam Điệp, khắc sâu trong mỗi người dân, du khách hình ảnh, dấu ấn lịch sử, truyền thống kiên cường, bất khuất của dân tộc trong đấu tranh dựng nước và giữ nước; đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa tâm linh của nhân dân. 

Kể từ thời điểm năm 2015, khi UBND tỉnh ban hành quy chế quản lý các di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng đến nay, công tác quản lý hai di tích này chưa đảm bảo đúng quy định của pháp luật, chủ yếu vẫn để một số người dân thôn Lý Nhân quản lý, khai thác; phát sinh mâu thuẫn, bất cập, đơn thư, khiếu nại, tố cáo; đã có ý kiến của cử tri đề nghị lãnh đạo thành phố báo cáo giải trình về những tồn tại, hạn chế bất cập trong công tác quản lý hai di tích tại phiên chất vấn trong các kỳ họp của HĐND tỉnh và HĐND thành phố. Để xảy ra tình trạng đó, trách nhiệm trước hết thuộc về cấp ủy, chính quyền phường Yên Bình; trong đó có phần trách nhiệm của lãnh đạo thành phố và các cơ quan chuyên môn tham mưu giúp việc. Nhằm khắc phục tồn tại trên, Thường trực Thành ủy đã chỉ đạo UBND thành phố rà soát thực trạng việc quản lý các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn thành phố, nghiên cứu các quy định của pháp luật, đề xuất mô hình tổ chức quản lý tập trung, thống nhất các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn thành phố đảm bảo đúng quy định của pháp luật và phù hợp tình hình thực tế của địa phương. Tuy nhiên, đến nay việc triển khai thực hiện còn chậm chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra; công tác tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện việc quản lý hai di tích theo mô hình mới của cấp ủy, chính quyền phường Yên Bình chưa được coi trọng, thiếu trách nhiệm, chưa đáp ứng với yêu cầu. 

Đồng chí Bí thư Thành ủy yêu cầu trong thời gian tới, lãnh đạo thành phố, lãnh đạo phường Yên Bình và Ban Quản lý Di tích lịch sử - văn hóa Đền Dâu, Đền Quán Cháo khẩn trương hoàn thành việc bàn giao và tổ chức quản lý hai di tích này theo mô hình mới. Trong quá trình hoàn thiện Quy chế hoạt động của Ban Quản lý cần kế thừa, chọn lọc những nội dung còn phù hợp, đúng quy định của Quy chế hoạt động của Ban Quản lý do phường Yên Bình công nhận trước đây; quản lý nguồn kinh phí công đức do nhân dân, nhà hảo tâm và du khách ủng hộ, quyên góp; đảm bảo nguồn lực phục vụ các hoạt động, công tác quản lý, bảo quản, trùng tu, tôn tạo di tích; việc phụng thờ của Nhà đền, chế độ phụ cấp cho thành viên các Tổ trực đền và những cá nhân có liên quan. Nghiêm cấm tuyệt đối các hành vi lợi dụng công tác quản lý di tích để thu lợi cá nhân. Các cơ quan chuyên môn phối hợp với địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của thành phố trong công tác quản lý các di tích để nhân dân và cử tri thành phố hiểu rõ. Công an thành phố tăng cường nắm chắc tình hình, củng cố hồ sơ, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng việc triển khai mô hình quản lý mới cố tình gây rối, lôi kéo, kích động, chống đối gây mất an ninh trật tự theo quy định của pháp luật. Giao UBND thành phố thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra toàn diện các hoạt động của Ban Quản lý trước đây. Các Đảng bộ, chi bộ, các địa phương tăng cường công tác quán triệt, tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân toàn thành phố về việc thực hiện công tác quản lý di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn thành phố theo mô hình mới theo đúng quy định của pháp luật. Trong tháng 01/2024 quản lý hai di tích theo mô hình tổ chức mới./.

Thương Thương

Đăng nhập
Thống kê truy cập
Số lượt truy cập
914641

Trực tuyến: 84

Hôm nay: 811