Chiều 28/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác đi kiểm tra tình hình sản xuất, kinh doanh tại Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao; tình hình thi công, thăm hỏi động viên công nhân, người lao động trên công trường tuyến đường Đông - Tây. Cùng đi có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng; đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình, các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, lãnh đạo HĐND, UBND, đoàn ĐBQH tỉnh, các sở, ngành của tỉnh.
Đồng chí Bùi Thành Đông, Tỉnh ủy viên, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố cùng các đồng chí lãnh đạo thành phố tiếp và làm việc với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Tiếp và làm việc với Đoàn về phía thành phố có đồng chí Bùi Thành Đông, Tỉnh ủy viên, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; đồng chí Vũ Thành Tôn, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; đồng chí Hoàng Mạnh Hùng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; lãnh đạo và công nhân Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao.
Thủ Tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác thăm, tặng quà động viên công nhân Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao.
Tới thăm hỏi, động viên và tặng quà công nhân tại vùng trồng dứa nguyên liệu ở thôn Sòng Vặn, xã Quang Sơn của Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, Thủ tướng Phạm Minh Chính rất vui mừng vì thu nhập của người lao động được cải thiện theo chủ trương, mục tiêu của Đảng, Nhà nước, nhất là sau khi đơn vị từ mô hình doanh nghiệp nhà nước chuyển sang công ty cổ phần, đánh giá công ty đang tích cực tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, góp phần xanh hóa khu vực này.
Theo Thủ tướng, công nhân, người lao động cùng Công ty tiếp tục đầu tư cơ giới hóa, cải tiến khoa học kỹ thuật, tăng năng suất lao động; chuyển đổi giống với năng suất, chất lượng tốt hơn, thời gian sinh trưởng ngắn hơn… Cùng với đó tiếp tục xây dựng thương hiệu; mở rộng thị trường; quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu; đầu tư xây dựng hạ tầng để phát triển sản xuất quy mô lớn; tiếp tục xây dựng các thiết chế văn hóa, chăm lo đời sống tinh thần cho cán bộ, công nhân. Thủ tướng mong muốn, Công ty luôn giữ vững, củng cố và phát triển thương hiệu, nhất là thương hiệu dứa Đồng Giao; khẳng định, Nhà nước cũng có trách nhiệm đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là đầu tư phát triển tuyến đường Đông - Tây đi qua vùng nguyên liệu, góp phần cải thiện về giống; công ty cần nỗ lực sản xuất, kinh doanh, củng cố thương hiệu, mở rộng thị trường. Thủ tướng nêu rõ, Đảng, Nhà nước luôn có mục đích lớn nhất là chăm lo, cải thiện để người dân có cuộc sống ngày một ấm no, hạnh phúc.
Đến thăm cơ sở chế biến rau quả, Thủ tướng cùng đoàn đã nghe đồng chí Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc, Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao báo cáo về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty năm 2023 và 5 tháng đầu năm 2024. Theo đó Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) được hình thành từ 1955 tiền thân là Nông trường quốc doanh Đồng Giao. Hiện nay, Công ty tập trung thực hiện chế biến rau quả với công suất 136.000 tấn sản phẩm/năm tại 03 nhà máy tại Ninh Bình, Gia Lai và Sơn La; với hệ thống máy móc hiện đại, được nhập khẩu từ Nhật Bản, Đức, Mỹ và các nước G7 đáp ứng được công suất sản xuất quy mô lớn, đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Công ty đã xây dựng, hình thành 04 vùng nguyên liệu chính tại Ninh Bình, các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ, Tây Bắc, Tây Nguyên, với tổng diện tích hơn 25 ngàn ha. Công ty đã áp dụng thành công công nghệ hữu cơ, công nghệ cao như sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, màng phủ nilon, bón phân hữu cơ và phân vi sinh; rau quả sản xuất ra đáp ứng yêu cầu cao của các nước phát triển ngay từ khi còn ở trên đồng ruộng. Năm 2023, doanh thu của Công ty đạt 3.000 tỷ đồng; trong đó, kim ngạch xuất khẩu chiếm 80%. Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu gồm: Sản phẩm cô đặc-puree (dứa, chanh dây, chuối, vải); sản phẩm đông lạnh (dứa, xoài, rau chân vịt, ngô ngọt, đậu tương rau, hành, măng…); sản phẩm đóng hộp (ngô ngọt, dứa, vải…); giải quyết việc làm cho hơn 31.000 lao động với mức lương trung bình từ 8-10 triệu đồng/tháng, chỉ trả cổ tức cho các cổ đông khoảng 14,5%/năm; bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; đời sống cán bộ, công nhân, người lao động được cải thiện…Tổ chức đảng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, được củng cố, phát triển, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của đảng viên, tham gia tích cực các hoạt động an sinh xã hội với địa phương.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Công ty kiến nghị các ngân hàng có chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp chế biến rau quả, nông sản do việc sản xuất phụ thuộc nhiều vào tự nhiên. Thủ tướng đánh giá cao thành tựu hơn 70 năm hình thành, phát triển của Công ty; là mô hình chuyển đổi thành công, hiệu quả từ một nông trường quốc doanh sang công ty cổ phần, sản xuất, kinh doanh hiệu quả, khẳng định được chất lượng và thương hiệu, tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đời sống của người lao động với mức thu nhập đảm bảo; chất lượng tổ chức đảng và đảng viên được nâng cao; tham gia làm tốt công tác an sinh xã hội. Công ty vinh dự được nhiều lần đón Bác Hồ về thăm.
Thủ tướng lưu ý, hạ tầng cho sản xuất của công ty cần được cải thiện hơn nữa, mở rộng quy mô sản xuất các nhà máy chế biến vì nhu cầu lớn, thị trường nhiều. Do đó, cần nỗ lực hơn, địa phương giúp đỡ tích cực hơn; vùng nguyên liệu phải áp dụng mô hình canh tác mẫu lớn để ứng dụng khoa học công nghệ, đưa máy móc vào sản xuất, giảm giờ làm, tăng năng suất lao động.
Thủ tướng đề nghị cần nghiên cứu, cải tiến giống, nhất là nhân giống dứa mới cho năng suất, chất lượng tốt hơn; coi trọng các thiết chế giáo dục, y tế, cần quan tâm đời sống vật chất, tinh thần của người lao động được nâng lên theo chủ trương của Đảng. Phát huy truyền thống hơn 70 năm, tiếp tục xây dựng thương hiệu Doveco bằng cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu, đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng thị trường trong nước và quốc tế; mở rộng vùng nguyên liệu thông qua liên kết với các doanh nghiệp, địa phương, vùng nguyên liệu, như đặt hàng sản xuất ngô ở Thanh Hóa, sản xuất chuối ở Hoà Bình, Nghệ An…; cung ứng quả vải liên kết với Hải Dương, Bắc Giang, xoài ở Đồng Tháp… ; đầu tư cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, như khâu giống, sản xuất chế biến, bao bì, mẫu mã, chỉ dẫn địa lý; tích cực áp dụng chuyển đổi số, thương mại điện tử, sản xuất xanh; có sự hỗ trợ của ngân hàng về vốn với lãi suất ưu đãi, hướng tín dụng vào sản xuất, vào những đơn vị sản xuất hàng xuất khẩu như Doveco, công khai, minh bạch lãi suất, giảm lãi suất cho vay.
Thủ tướng nêu rõ, Nhà nước phải hỗ trợ thúc đẩy 3 đột phá chiến lược với phương châm “chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản lý thông minh”. Công ty phải quan tâm, chăm lo an sinh xã hội tốt hơn. Các bộ, ngành cần hỗ trợ tích cực hơn địa phương để thúc đẩy sản xuất kinh doanh của công ty trong mở rộng dây chuyền sản xuất; tích cực phát triển khâu vận tải.
Thủ tướng cũng mong muốn đội ngũ người lao động công ty phải đoàn kết, tích cực sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và tỉnh Ninh Bình tiếp tục hỗ trợ công ty về vốn, lãi suất, mặt bằng để mở rộng sản xuất, kinh doanh, đa dạng hoá thị trường; Quan tâm đầu tư hạ tầng, giao thông để tạo điều kiện vận chuyển nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời cũng hy vọng tập thể lãnh đạo, người lao động công ty tiếp tục đoàn kết, chung sức, đồng lòng, thi đua lao động, sẽ tạo ra khí thế mới, động lực mới, bước phát triển mới, đưa công ty phát triển nhanh, bền vững hơn nữa, đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương, đất nước.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm, tặng quà động viên công nhân, người lao động trên công trường tuyến đường Đông-Tây.
Cũng trong chiều cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi kiểm tra tình hình thi công; thăm hỏi, động viên và tặng quà công nhân, người lao động trên công trường tuyến đường Đông-Tây tỉnh Ninh Bình, (giai đoạn I). Tuyến đường có chiều dài 22,95 km; quy mô đầu tư giai đoạn I là 4 làn xe; trong đó, việc giải phóng mặt bằng thực hiện theo quy hoạch 8 làn xe với bề rộng 70m. Đây là dự án đường giao thông có quy mô lớn nhất từ trước đến nay do tỉnh phê duyệt, với tổng mức đầu tư trên 1.900 tỷ đồng, tổng diện tích đất thực hiện dự án là hơn 189ha, 991 hộ bị ảnh hưởng, trong đó có 136 hộ phải thực hiện bố trí tái định cư; thời gian thực hiện từ năm 2022 đến năm 2026; đi qua 4 huyện, thành phố, kết nối cực phía Tây với cực phía Đông của tỉnh Ninh Bình, từ vùng rừng núi huyện Nho Quan đến huyện ven biển Kim Sơn. Đặc biệt, tuyến đường kết nối đồng bộ với các trục giao thông quan trọng của Quốc gia như: Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, QL1A, đường bộ ven biển, đường sắt Bắc - Nam. Tuyến đường hoàn thành sẽ góp phần tạo hành lang kinh tế Đông - Tây phía Nam của tỉnh, tạo cực tăng trưởng mới cho vùng Nho Quan, Tam Điệp, tạo ra không gian dư địa mới, thu hút nhiều nhà đầu tư, tạo động lực, bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trước mắt và có tầm chiến lược, dài hạn. Đến nay, đã thi công thảm mặt đường bê tông nhựa được khoảng 8,5km; đang thi công hoàn thiện nền đường, cầu, cống các đoạn còn lại (giá trị khối lượng xây lắp hoàn thành ước đạt 42,5%). Dự án cũng là công trình hưởng ứng phong trào thi đua “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” do Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương phát động.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh tuyến đường Đông-Tây là dự án giao thông kết nối liên vùng lớn nhất từ trước đến nay của tỉnh Ninh Bình, có ý nghĩa quan trọng, kết nối giữa các tuyến cao tốc, quốc lộ, đường tỉnh, các khu du lịch, khu công nghiệp, cụm công nghiệp của tỉnh và khu vực; kết nối miền núi với ven biển; đồng thời tạo không gian phát triển mới, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Thủ tướng đề nghị các đơn vị tiếp tục kiểm soát, đẩy nhanh tiến độ công trình để sớm phục vụ nhân dân, nâng cao chất lượng dự án, bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật; tăng cường tính kết nối với các khu vực, tuyến giao thông trọng điểm khác; đồng thời gợi ý nghiên cứu, phối hợp chặt chẽ với tỉnh Thanh Hóa để mở hướng tuyến mới, nối tuyến đường này với tuyến đường ven biển 2 tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa từ đó, tăng tính kết nối vùng, bảo đảm khai thác tuyến đường hiệu quả hơn.
Kim Dung
Một số hình ảnh
Trực tuyến: 245
Hôm nay: 1294