Bắt đầu từ năm 2022, do không còn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn nên tỉnh Ninh Bình không nằm trong danh sách các địa phương thụ hưởng ngân sách Trung ương trong Chương trình mục tiêu quốc gia ((MTQG) giảm nghèo bền vững. Trên cơ sở tham mưu của các địa phương, đơn vị, tỉnh ta đã chủ động bố trí kinh phí thực hiện các chương trình, dự án thực hiện công tác giảm nghèo cho những năm tiếp theo. Các chính sách hỗ trợ cũng chuyển dần sang hỗ trợ có điều kiện, giúp người nghèo phát huy nội lực, tự giác vươn lên, để công tác giảm nghèo thực sự hiệu quả và bền vững.
Lao động làm nghề gốm truyền thống tại huyện Yên Mô.
Đa dạng sinh kế để người nghèo vươn lên
Bà Đinh Thị Lý, 68 tuổi, thôn Nga 1, xã Cúc Phương (Nho Quan) vốn là hộ nghèo nhiều năm. Bà Lý kể, vợ chồng bà đến với nhau với hai bàn tay trắng. Sinh con, nuôi con lớn rồi dựng vợ gả chồng, nhưng vì cuộc sống của các con còn nhiều khó khăn nên cũng không giúp đỡ bố mẹ được nhiều. Nguồn sống của vợ chồng bà là vài sào ruộng trồng sắn. Chồng bà sức khỏe kém, để cải thiện cuộc sống, bà Lý đi làm thuê, có việc gì làm nấy. Khát vọng ra khỏi danh sách hộ nghèo tưởng chừng không thể thực hiện được cho đến khi bà Lý nhận được sự hỗ trợ là một con bò sinh sản.
Bà Lý chia sẻ: Từ ngày lấy chồng về đây, con bò này là tài sản lớn nhất mà tôi có. Món quà từ chính sách này đã đánh thức khát vọng, mở ra cơ hội để vợ chồng tôi thoát nghèo. Khi gia đình tôi được lựa chọn là đối tượng nhận hỗ trợ bò, các con cũng phấn khởi, giúp chúng tôi xây dựng chuồng trại, trồng sẵn cỏ voi trong vườn. Ngoài một con bò sinh sản, chúng tôi còn được hỗ trợ thức ăn cho bò và 1 chiếc máy thái cỏ. Tôi cũng được tư vấn, giúp đỡ về kiến thức chăn nuôi, cách phòng và trị bệnh cho vật nuôi... Có được sự giúp đỡ này, việc chăn nuôi của gia đình tôi thuận lợi, dễ dàng hơn nhiều. Gia đình tôi đã thoát nghèo rồi. Tôi phấn khởi lắm, nên càng có thêm động lực để phát triển kinh tế gia đình vững chắc hơn.
Xã Cúc Phương (Nho Quan) mới được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Nhìn lại chặng đường đã đi qua, ông Đinh Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã Cúc Phương cho biết: Ngay khi bắt tay thực hiện các tiêu chí của xã nông thôn mới nâng cao, địa phương đã xác định rõ, một trong những tiêu chí khó, cần tập trung các nguồn lực để thực hiện hiệu quả, đó là tiêu chí giảm nghèo đa chiều. Lực đẩy cho công tác giảm nghèo ở địa phương là các chính sách hỗ trợ trong Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.
Để các chính sách hỗ trợ phù hợp và phát huy hiệu quả, địa phương đã tiến hành khảo sát kỹ về hoàn cảnh của từng hộ nghèo, cận nghèo, từ đó, kết nối với các chương trình, dự án phù hợp. Qua rà soát, toàn xã có 35 hộ nghèo, cận nghèo đủ điều kiện tham gia dự án hỗ trợ bò sinh sản phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị và trên 20 hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ chuyển đổi nghề thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm 2023.
Với sự vào cuộc, hỗ trợ tích cực từ các cơ quan chuyên môn và huyện Nho Quan, đến nay, các dự án đã được triển khai, nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân, nhất là các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo và bước đầu cho kết quả khả quan.
Giao bò giống cho hộ nghèo xã Cúc Phương, huyện Nho Quan.
Bước vào giai đoạn 2022-2025, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh ta còn 9.614 hộ nghèo, chiếm 3,07%; 10.881 hộ cận nghèo, chiếm 3,48%. Số lượng hộ nghèo của tỉnh trong giai đoạn này không còn nhiều, các địa phương, đơn vị liên quan cũng đã nghiên cứu, tham mưu cho tỉnh ban hành các chính sách đặc thù trên cơ sở nguồn lực của tỉnh và thực sự phù hợp với tình hình thực tế để các chính sách phát huy hiệu quả. Xác định rõ, việc hỗ trợ sinh kế là cơ sở quan trọng nhằm tạo sức bật để người nghèo vươn lên, trong năm qua, các cấp, các ngành, các địa phương đặc biệt chú trọng tới hoạt động tư vấn học nghề, tạo việc làm, tạo điều kiện vay vốn mở rộng sản xuất… giúp người nghèo có thêm điều kiện vươn lên.
Năm 2023 là năm thứ hai tỉnh ta triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh việc chủ động bố trí ngân sách địa phương để thực hiện Chương trình, tỉnh cũng chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương bám sát các quy định, hướng dẫn của Trung ương, triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh. Một trong những dự án trọng tâm, được kỳ vọng tạo sinh kế giúp người nghèo vươn lên đó là dự án 4 về Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững. Để thực hiện có hiệu quả dự án 4, các địa phương đã thực hiện tuyên truyền điều tra, khảo sát nhu cầu đào tạo, ngành nghề đào tạo cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp.
Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã tổ chức các hội nghị tập huấn hướng dẫn thu thập cơ sở dữ liệu về người lao động; khảo sát, thu thập thông tin của 83.080 người lao động trên địa bàn tỉnh. Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh được trang bị các thiết bị công nghệ thông tin nhằm phục vụ cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu việc tìm người-người tìm việc. Trung tâm Dịch vụ việc làm đã tổ chức 40 phiên giao dịch việc làm tỉnh để đưa cơ hội việc làm đến với lao động địa phương, trong đó có lao động nông thôn, lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Với những đóng góp hiệu quả của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, trong năm 2023, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 19.400 người, đạt 100% kế hoạch năm.
"Đòn bẩy" từ tín dụng chính sách
Khi chồng mất, chị Vũ Thị Sen, xóm Tây Hải, xã Văn Hải (Kim Sơn) mất đi trụ cột trong gia đình. Nhớ lại những tháng ngày buồn bã đó, chị Sen tâm sự: Chồng tôi có một tổ hợp may nhỏ, tạo việc làm cho 4-5 lao động. Thu nhập từ công việc này mới chỉ bắt đầu, chưa ổn định. Để phụ với chồng, ngoài chăm sóc 4 đứa con nhỏ, tôi cũng chăn nuôi thêm gia cầm. Cuộc sống dẫu chưa hết vất vả, nhưng cũng hứa hẹn một hướng đi hiệu quả trong tương lai. Vì vậy, khi chồng mất, tôi vật lộn với nỗi đau mất người thân, với gánh nặng mưu sinh khi chỉ còn lại một mình gánh vác kinh tế gia đình và chăm sóc các con. Những ngày sau đó, được sự động viên, giúp đỡ của người thân, bạn bè, tôi gượng dậy, vượt qua nỗi đau, tiếp quản công việc của chồng để làm ăn, nuôi dạy con cái.
Tổ hợp may của gia đình chị Vũ Thị Sen, xóm Tây Hải, xã Văn Hải, Kim Sơn giải quyết việc làm cho hơn 20 lao động địa phương.
Thế nhưng, thách thức lớn nhất đối với chị Sen khi đó là thiếu vốn để duy trì sản xuất. Có những thời điểm, chị Sen tính buông xuôi vì không thể duy trì tổ hợp may. Thấu hiểu hoàn cảnh của chị Sen, qua bình xét ở Chi hội phụ nữ và xóm Tây Hải, chị Sen được hỗ trợ vay nguồn vốn giải quyết việc làm từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Chị Sen bảo, nguồn vốn này là cứu cánh với chị lúc ấy để có thể duy trì được tổ hợp, trả lương cho công nhân, thanh toán các đơn hàng… Giải được bài toán về vốn, chị Sen càng có thêm động lực để vươn lên bằng việc năng động tìm kiếm các đơn hàng, dần mở rộng quy mô sản xuất. Hiện tổ hợp của chị có hơn 20 lao động làm việc, với mức thu nhập từ 6-7 triệu đồng/người/tháng.
Bà Lương Thị Nguyệt, Bí thư Chi bộ xóm Tây Hải cho biết: Ngoài tổ hợp may của chị Sen, trong xóm còn có 3 tổ hợp may gia công nữa duy trì hoạt động hiệu quả nhờ có "lực đẩy" là nguồn vốn chính sách. Hiện nay, xóm Tây Hải có 143 hộ thì còn 4 hộ thuộc diện hộ nghèo, 6 hộ cận nghèo. Một trong những hướng hiệu quả giúp người dân thoát nghèo, vươn lên làm kinh tế khá, là phát triển các nghề tiểu thủ công nghiệp như đan cói, dệt chiếu, may mặc…
Trong thời gian tới, địa phương mong muốn chương trình tín dụng chính sách tiếp tục đồng hành với người nghèo, giúp họ có cơ hội tạo sinh kế, tăng thu nhập để cải thiện cuộc sống. Đặc biệt, mong rằng chương trình tín dụng chính sách sẽ có những đổi mới, mở rộng đối tượng để những hộ đã thoát nghèo được vay vốn ưu đãi, phát triển sản xuất, từ đó, việc thoát nghèo mới thực sự bền vững.
Thời gian qua, tín dụng chính sách xã hội do Ngân hàng CSXH thực hiện đã được cấp ủy, chính quyền địa phương xác định là một trong những công cụ, giải pháp quan trọng để thực hiện các chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Ông Phạm Đức Cường, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Ninh Bình cho biết: Hàng năm, UBND tỉnh luôn quan tâm bố trí ngân sách ủy thác sang Ngân hàng CSXH để bổ sung nguồn vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn thông qua Quỹ cho vay giảm nghèo. Đến nay, tổng nguồn vốn của Quỹ là 210 tỷ đồng, đã hỗ trợ cho hàng nghìn hộ nghèo, người yếu thế, người khuyết tật có vốn để sản xuất, kinh doanh…
Năm 2023, doanh số cho vay của Ngân hàng đạt 1.181 tỷ đồng, với 24.523 lượt khách hàng vay vốn, doanh số thu nợ đạt 618 tỷ đồng. Nguồn vốn đã góp phần tạo việc làm cho gần 10.000 lao động; giúp 1.500 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng cải tạo gần 22.000 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng, sửa chữa 200 ngôi nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách... góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương.
Phan Hiếu-Đào Hằng
Trực tuyến: 12
Hôm nay: 12