Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đang đến gần, đây là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn trong năm, đặc biệt là các thực phẩm như thịt, cá, bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát, các hạt có dầu, các chất phụ gia phục vụ chế biến món ăn... Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, bên cạnh việc gia tăng sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, một số đối tượng đã lợi dụng để sản xuất, kinh doanh các thực phẩm là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm cho người tiêu dùng.
Thực hiện Kế hoạch số 135/KH-BCĐ ngày 21/12/2023 của Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP thành phố về việc triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa Lễ hội Xuân năm 2024 trên địa bàn các phường, xã, cơ quan đơn vị có liên quan đã đẩy mạnh hoạt động truyền thông về bảo đảm an toàn thực phẩm và tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành, chuyên ngành, giám sát thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 và mùa Lễ hội Xuân 2024 với mục tiêu bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm; Tăng cường kiểm soát, xử lý việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng; đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và phòng chống ngộ độc thực phẩm, giúp nhân dân đón Tết, vui Xuân an toàn.
Để đảm bảo an toàn thực phẩm dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng cần chấp hành đầy đủ các quy định về an toàn thực phẩm với một số nội dung sau:
- Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm: Đảm bảo đầy đủ các hồ sơ pháp lý, tài liệu liên quan theo quy định về an toàn thực phẩm và các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ, người tham gia sản xuất, chế biến, tiếp xúc với thực phẩm; Không sử dụng phụ gia, phẩm màu độc hại trong sản xuất thực phẩm; Bảo đảm và duy trì vệ sinh nơi kinh doanh, chế biến thực phẩm; Bảo quản thực phẩm theo đúng hướng dẫn của tổ chức, cá nhân sản xuất thực phẩm và chỉ kinh doanh những loại thực phẩm đảm bảo chất lượng an toàn cho người tiêu dùng; Tuyệt đối không buôn bán hàng thực phẩm giả, thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
- Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống: Thực hiện đầy đủ và nghiêm túc các quy định về điều kiện an toàn thực phẩm như: Có đầy đủ các hồ sơ pháp lý, tài liệu liên quan theo quy định; Đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ, người tham gia chế biến thực phẩm; Thực hiện chế độ kiểm thực ba bước và lưu mẫu thực phẩm theo đúng quy định; Không sử dụng phụ gia, phẩm màu độc hại trong chế biến, kinh doanh thực phẩm. Tuyệt đối không sử dụng thực phẩm giả, thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
- Để tất cả mọi người, mọi nhà đều được đón một cái Tết an toàn, vui tươi, hạnh phúc thì mỗi người dân hãy là người tiêu dùng thông thái, sáng suốt lựa chọn những thực phẩm sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và lưu ý một số nội dung sau:
+ Đối với thực phẩm là đồ hộp, cần lựa chọn mua ở những cửa hàng có uy tín, đầy đủ hồ sơ nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, có dụng cụ bảo quản thực phẩm và trưng bày thoáng, mát, không bụi bẩn; chỉ mua loại có tem nhãn đầy đủ thông tin (Tên thực phẩm, tên và địa chỉ thương nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa, định lượng của thực phẩm, thành phần cấu tạo, NSX, HSD, hướng dẫn bảo quản, hướng dẫn sử dụng), không mua đồ hộp bị phồng, rỉ sét, méo hoặc hở mép; Bảo quản thực phẩm theo đúng yêu cầu của nhà sản xuất ghi trên nhãn.
+ Đối với thực phẩm tươi sống, cần lựa chọn thực phẩm có dấu kiểm soát giết mổ, của cơ quan chức năng (thịt gia súc, gia cầm làm sẵn); màu sắc tự nhiên, rắn chắc. Khi mua về phải được sơ chế, rửa bằng nước sạch, để ráo, chia nhỏ vừa đủ dùng, bọc kín bằng màng bọc thực phẩm hoặc hộp kín và bảo quản trong ngăn đông tủ lạnh hoặc tủ cấp đông. Không sử dụng sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu ôi thiu, mốc hỏng.
+ Đối với thực phẩm tươi sống, rau củ quả cần lựa chọn mua ở các cửa hàng uy tín, được xác nhận chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn (nếu mua ở chợ, chọn các quầy hàng có tên người bán hàng, sạch sẽ, có đầy đủ dụng cụ kê đựng rau, củ, quả cách xa mặt đất; không bày bán dưới nền đất, gần sát các quầy bán thịt, cá tươi sống); Chọn thực phẩm tươi mới, không bị dập nát, có màu sắc tự nhiên của rau quả và không có mùi lạ. Khi mua về phải được sơ chế, rửa bằng nước sạch, để ráo nước, bọc kín bằng màng bọc thực phẩm và bảo quản ở ngăn mát của tủ lạnh hoặc nơi thoáng, mát.
+ Đối với thức ăn còn dư thừa: Bảo quản các loại thực phẩm riêng biệt bằng các hộp nhựa chuyên dùng hoặc dùng màng bọc thực phẩm để bảo quản thức ăn. Cần luộc, hấp, nấu lại hoặc rán trước khi ăn; không sử dụng các loại bánh bị mốc trắng, lên men, mùi chua,…Đối với giò, chả thì ngăn mát sẽ giữ được lâu hơn; với những món thịt chế biến sẵn như thịt kho, thịt đông… nên chia thành từng hộp nhỏ vừa đủ ăn từng bữa để bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Không nên ăn các món ăn đã được chế biến từ rau đã để qua đêm; không nên để thức ăn đã nấu chín trong môi trường nhiệt độ thường quá 2 giờ đồng hồ; đun nóng lại thức ăn thừa, để nguội trước khi đưa vào trong ngăn mát tủ lạnh. Thực phẩm bảo quản trong tủ lạnh cần đựng vào hộp riêng, đậy nắp kín; bảo quản thực phẩm chín, thực phẩm sống riêng biệt để tránh nhiễm chéo.
+ Đặc biệt, để phòng ngừa ngộ độc rượu bia trong dịp Tết, người dân tuyệt đối không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân; Không uống rượu khi không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, rượu được pha từ cồn công nghiệp.
PHÒNG Y TẾ THÀNH PHỐ TAM ĐIỆP
Nguyễn Thị Thu Hà
Trực tuyến: 138
Hôm nay: 1394