Chiều 17/7, các đồng chí lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã đi kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023 tại một số địa phương, công trình phòng chống lụt bão trên địa bàn thành phố.
Đoàn 1 do đồng chí Vũ Thành Tôn, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ làm trưởng đoàn; cùng đi có đồng chí Vũ Đình Chiến, UVBTV Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố; lãnh đạo Văn phòng Thành ủy, phòng Kinh tế thành phố, phòng Quản lý đô thị, Giám đốc Ban Quản lý dự án thành phố, Công an thành phố. Đoàn đã tới kiểm tra tại các công trình trọng điểm phòng chống thiên tai, khu vực xung yếu của một số địa phương gồm: Trạm bơm Quang Hiển, khu vực đường cao tốc đi qua địa bàn phường Tân Bình, khu vực sườn mái phía Bắc đồi Dài; một số trạm bơm trên địa bàn phường Yên Bình; khu vực đập tràn hồ Mừng xã Đông Sơn.
Đồng chí Vũ Thành Tôn, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ kiểm tra thực tế tại Trạm Bơm Quang Hiển
Tại phường Tân Bình, đoàn đã kiểm tra thực tế tại Trạm bơm Quang Hiển, Trạm bơm này có nhiệm vụ tiêu nước phục vụ dân sinh, sản xuất nông nghiệp cho phường. Hiện Trạm bơm vẫn đang vận hành tốt, tuy nhiên phần kết cấu bê tông chưa đảm bảo, cần sớm xử lý trước khi mùa mưa bão tới. Tiếp đó, đoàn đã tới kiểm tra khu vực sườn mái phía Bắc đồi Dài, khu vực này thành phố đã bố trí ngân sách thực hiện thu tiêu nước, chống sạt lở, đảm bảo an cho nhân dân trong mùa mưa lũ. Qua đánh giá hiện trạng và những kiến nghị của lãnh đạo địa phương, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ giao cho các cơ quan có liên quan rà soát, tham mưu, báo cáo thành phố trong thời gian sớm nhất. Trước mắt các ngành chức năng, chính quyền địa phương và đơn vị quản lý công trình cần tăng cường công tác đảm bảo năng lực phục vụ của các công trình, quan tâm vận hành an toàn các công trình; đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đang triển khai; rà soát các điểm xung yếu, nhất là trên tuyến đê Quang Hiển. Đồng thời chủ động xây dựng, hoàn thiện phương án ứng phó phù hợp theo từng cấp độ thiên tai, bảo đảm tính cơ động, nhạy bén, sát thực và hiệu quả. Thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ", đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão 2023.
Tại phường Yên Bình và xã Đông Sơn, đại diện lãnh đạo các phường, xã và các cơ quan chức năng đã báo cáo nhanh với Đoàn kiểm tra về công tác chuẩn bị và triển khai phương án PCTT&TKCN năm 2023 theo phương châm “4 tại chỗ" của địa phương và tại các trọng điểm xung yếu. Sau kiểm tra thực tế công tác phòng, chống bão số 1 tại các địa phương, công trình trọng điểm, đồng chí Phó Bí thư thường trực Thành ủy chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương tiếp tục theo sát diễn biến của bão số 1, chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản, sản xuất của nhân dân khi bão số 1 đổ bộ vào. Tập trung tuyên truyền, quán triệt các đơn vị, địa phương và nhân dân tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, bởi thiên tai nói chung và cơn bão số 1 nói riêng có diễn biến khó lường, phức tạp, không thể đoán trước, chỉ cần sơ suất nhỏ, chủ quan, bị động có thể dẫn đến thiệt hại khôn lường về tính mạng và tài sản của nhân dân; thường xuyên bố trí lực lượng ứng trực, có sự hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng không để bị động, bất ngờ khi sự cố xảy ra …
Đồng chí Hoàng Mạnh Hùng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố kiểm tra tình hình thực tế tại phường Nam Sơn và xã Yên Sơn.
Đoàn 2 do đồng chí Hoàng Mạnh Hùng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố làm trưởng đoàn; cùng đi có đồng chí Mai Trường Sơn, UVBTV Thành ủy, Chỉ huy trưởng Ban CHQS thành phố; đồng chí Tống Đức Thuận, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND thành phố; lãnh đạo Văn phòng HĐND - UBND thành phố, phòng Quản lý đô thị, phòng Tài nguyên và Môi trường, phòng Kinh tế thành phố. Đoàn đã tới kiểm tra thực tế tại các công trình trọng điểm phòng chống thiên tai, khu vực xung yếu của một số địa phương gồm: Khu công nghiệp Tam Điệp 1; khu vực đập tràn thôn Khe Gồi, khu vực Bãi Sải, khu vực dọc tuyến đường cao tốc đoạn đi qua địa bàn xã Quang Sơn; đoạn từ km 283+920 đến km 284+300 (từ Đền Dâu đến Nhà máy xi măng Hướng Dương) phường Nam Sơn; khu vực tuyến đê sông Bến Đang; trạm bơm Sơn Đông và Sơn Tây xã Yên Sơn.
Sau khi kiểm tra và nghe báo cáo của các đơn vị, địa phương, đồng chí Hoàng Mạnh Hùng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của các ngành, địa phương có liên quan trong xây dựng và triển khai phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023. Qua kiểm tra, đánh giá thực tế các điểm xung yếu phòng chống lụt bão, đồng chí nhận định đây đều là các công trình trọng điểm, do vậy các đơn vị, địa phương cần khẩn trương hoàn chỉnh lại các phương án phòng chống thiên tai. Trước mắt, các địa phương cần chủ động các phương án ứng phó với tình hình mưa bão có thể xảy ra. Tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân; chú trọng xây dựng lực lượng xung kích tình nguyện, đồng thời chủ động rà soát, sắp xếp lại dân cư, di dời người dân sống tại những khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất. Bên cạnh đó, tổ chức huy động lực lượng nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, tiêu thoát lũ nội đồng… Trên tinh thần và phương châm "4 tại chỗ" để đảm bảo an toàn đê điều, sản xuất, tài sản của Nhà nước và nhân dân. Đối với công tác tiêu thoát nước Khu công nghiệp Tam Điệp 1, đồng chí đề nghị các đơn vị liên quan tiếp tục làm tốt công tác phối hợp, tăng cường dọn dẹp vệ sinh môi trường, tránh ách tắc dòng chảy, tiêu thoát nước kịp thời, đảm bảo an toàn cho hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp. Đối với hoạt động xử lý cấp bách đê và xây dựng cống điều tiết nước trên tuyến đê sông Bến Đang, xã Yên Sơn, đây là đoạn đê có chiều dài 400m, mặt đê có nhiều vị trí bị lún, lõm, mái đê nhiều vị trí bị sạt lở, trên đê có 2 vị trí thấp hơn mặt đê, nguy cơ mất an toàn và không đảm bảo ngăn lũ, tiêu thoát lũ. Bên cạnh đó, kênh dẫn nước chạy dọc mái taluy phía bên trong chân đê đã bị bồi lắng, thu hẹp dòng chảy, thường xuyên gây ngập úng khoảng 60 ha diện tích sản xuất nông nghiệp của xã Yên Sơn vào mùa mưa bão. Do đó địa phương cần chuẩn bị đầy đủ phương án hộ đê toàn tuyến, phương án di dời dân vùng bối, phương án chống úng bảo vệ sản xuất, phương án chống lụt, phương án cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng vận hành khi có tình huống thiên tai xảy ra. Chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình thời tiết, thông tin diễn biến của mưa, bão, lũ để kịp thời chỉ đạo, xử lý hiệu quả. Đồng thời, rà soát, điều chỉnh phương án PCTT đã xây dựng cho phù hợp với tình hình thực tế địa phương, góp phần giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về người và tài sản trong mùa mưa bão năm nay. Đối với một số công trình cụ thể mà các địa phương kiến nghị, đồng chí yêu cầu các ngành có liên quan khẩn trương nghiên cứu xem xét, triển khai đầu tư xây dựng kịp thời, trên tinh thần ưu tiên cho những điểm xung yếu, những công trình ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống dân sinh. Đối với các công trình do địa phương quản lý cần chủ động rà soát, sửa chữa theo thẩm quyền và phân cấp ngân sách, đáp ứng nhiệm vụ phòng chống thiên tai năm 2023.
Theo dự báo, mùa mưa bão năm nay rất khó lường, để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra, đồng chí đề nghị các đơn vị xã phường tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Kiểm tra, rà soát, lên phương án phòng chống thiên tai sát với tình hình thực tế tại địa phương; phân công nhiệm vụ cụ thể và yêu cầu các thành viên Ban Chỉ huy PCTT & TKCN các phường, xã chủ động ứng trực, xử lý khi có thiên tai; chủ động cắt tỉa cành cây to để bảo đảm an toàn trong trường hợp bão đổ bộ. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống phát sinh. Chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình thời tiết, thông tin diễn biến của mưa, bão, lũ kịp thời chỉ đạo, xử lý hiệu quả theo phương châm “4 tại chỗ" để đảm bảo an toàn đê điều, sản xuất, góp phần giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về người và tài sản trong mùa mưa bão năm 2023.
Thương Thương – Hoàng Bình
Một số hình ảnh
Trực tuyến: 82
Hôm nay: 809