Chiều 5/9, UBND thành phố tổ chức Hội nghị triển khai ứng phó với cơn bão số 3 - cơn bão Yagi.
Dự và chủ trì hội nghị có đồng chí Tống Đức Thuận, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND thành phố; các đồng chí Thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố; Chủ tịch UBND các phường, xã đã về dự.
Quang cảnh hội nghị.
Theo dự báo sáng 5/9, bão số 3 tiếp tục mạnh lên cấp 16 (cấp siêu bão). Hồi 13 giờ ngày 5/9, vị trí tâm siêu bão ở vào khoảng 19,2 độ Vĩ Bắc; 115,2 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Bắc khu vực Bắc biển Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 460 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 16 (184-201 km/h), giật trên cấp 17, di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 10 km/h. Dự báo bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây với tốc độ 10-15 km/h; tiếp tục duy trì cường độ rất mạnh cấp 16, giật trên cấp 17 trên vùng biển phía Đông đảo Hải Nam. Khoảng chiều tối ngày 7/9, bão đổ bộ vào đất liền Bắc Bộ (từ Quảng Ninh đến Ninh Bình) với cường độ cấp 9-12, giật cấp 13-14.
Tại cuộc họp, đại diện các phòng ban, ngành, các đơn vị xã phường đã tập trung bàn các giải pháp cụ thể phòng chống bão: Tăng cường kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó; tổ chức trực ban, theo dõi diễn biến bão, lũ; tổ chức kiểm tra, rà soát và triển khai trên thực tế các phương án hộ đê; phương án bảo vệ trọng điểm xung yếu, đặc biệt là các vị trí đã xảy ra sự cố nhưng chưa được xử lý, khắc phục; các công trình đang thi công dở dang theo phương châm “4 tại chỗ” để chủ động, sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống. Đối với UBND các phường, xã: Tân Bình, Yên Bình, Yên Sơn, Đông Sơn chỉ đạo các Hợp tác xã nông nghiệp và người dân huy động máy móc, thiết bị khơi thông dòng chảy; sẵn sàng tổ chức vận hành các trạm bơm tiêu nước, chống úng cho diện tích nuôi thủy sản và cây trồng khi bị ngập úng, khu phía Bắc đồi Dài có nguy cơ sạt lở; kiểm tra, cắm biển cảnh báo nguy cơ sạt lở...
Đồng chí Tống Đức Thuận, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND thành phố phát biểu kết luận.
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh: Xác định bão số 3 (Yagi) là cơn bão rất mạnh, phạm vi ảnh hưởng rất rộng, do vậy các đơn vị phải tập trung chỉ đạo, chủ động triển khai các phương án ứng phó với bão số 3, không chủ quan, lơ là, chuẩn bị sẵn sàng theo phương châm “4 tại chỗ”, không để bị động, bất ngờ,... đảm bảo tuyệt đối an toàn về người và tài sản. Qua báo cáo của các cơ quan chuyên môn và trên cơ sở các ý kiến phát biểu tại Hội nghị, đồng chí thống nhất kết luận cụ thể như sau:
Về công tác thông tin, tuyên truyền: Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh thành phố, UBND các phường, xã và các đơn vị có liên quan tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền kịp thời về diễn biến cơn bão số 3 trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời vận động nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, chống bão, bảo vệ an toàn người và tài sản. Đồng thời kiểm tra, tháo dỡ băng rôn, cờ, khẩu hiệu, biển quảng cáo, tuyên truyền nhân dịp kỷ niệm 79 năm ngày Quốc khánh 02/9 trên các tuyến đường; thời gian xong trước 14h00’ ngày 06/9/2024. Phòng Văn hoá và Thông tin chủ trì, phối hợp với UBND các phường, xã kiểm tra, chỉ đạo tháo dỡ các biển quảng cáo của nhà dân, băng zôn, các loại bảng điện tử không an toàn của các đơn vị, tổ chức trên địa bàn. Thời gian xong trước 15h00’ ngày 06/9/2024.
Về công tác cắt tỉa cây xanh: Đối với các tuyến đường phố và các khu dân cư bên trong, giao UBND các xã, phường chủ động huy động lực lượng, phương tiện đốn tỉa cành cây; thời gian hoàn thành trước 15h00’ ngày 06/9/2024. Với những cây xanh có nguy cơ không an toàn, không có điều kiện cắt tỉa được, UBND các xã, phường kịp thời báo cáo UBND thành phố để có giải pháp đảm bảo an toàn. Đối với các tuyến đường trục chính, giao Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Tam Điệp thực hiện cắt tỉa; thời gian hoàn thành trước 15h00’ ngày 06/9/2024.
Điện lực Tam Điệp: Rà soát các điểm, các khu vực không an toàn về đường dây điện; có phương án xử lý ngay để đảm bảo an toàn đồng thời xây dựng phương án đảm bảo đủ điện phục vụ bơm tiêu úng và công tác phòng, chống lụt bão của các đơn vị trên địa bàn.
Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố: Chỉ đạo các nhà trường căn cứ tình hình thực tế để quyết định cho học sinh nghỉ học; bố trí cán bộ trực tại các nhà trường; có biện pháp đảm bảo cơ sở vật chất các trường học; thực hiện cắt tỉa cây xanh tại các sân trường…
Các phòng ban, cơ quan chuyên môn của thành phố: Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan chỉ đạo công tác vận hành các trạm bơm, khơi thông dòng chảy để sẵn sàng tiêu úng khi có mưa lớn xảy ra; kiểm tra, rà soát vật tư, phương tiện, trang thiết bị, phương án ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ”. Theo dõi sát thông tin diễn biến tình hình cơn bão số 3, kịp thời tham mưu cho UBND thành phố trong công tác chỉ đạo. Thông tin đến các mỏ đang khai thác vật liệu xây dựng trên địa bàn có phương án di chuyển máy móc đến nơi an toàn và không khai thác từ 15h00’ ngày 06/9/2024 cho đến khi bão tan. Rà soát, đôn đốc các đơn vị đang thi công các tuyến đường và các trụ sở đang dang dở, đặc biệt là tuyến đường Chi Lăng; đồng thời, xây dựng phương án di chuyển các phương tiện từ cổng số 2 Nhà máy Xi măng Tam Điệp trong trường hợp bị ngập lụt. Thời gian hoàn thành trước 15h00’ ngày 06/9/2024. - Phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp danh sách các hộ gia đình có nhà ở xuống cấp cần hỗ trợ di chuyển theo đề nghị của UBND các xã, phường, tham mưu cho UBND thành phố theo quy định. Yêu cầu đơn vị thi công có biện pháp đảm bảo an toàn và khơi thông dòng chảy đối với các công trình đang thi công. Thời gian hoàn thành trước 15h00’ ngày 06/9/2024. Chủ động kiểm tra, rà soát các công trình đang thi công trên địa bàn, phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn, đôn đốc chủ đầu tư thực hiện các biện pháp bảo vệ công trình
Công an thành phố: Bố trí lực lượng phân luồng giao thông khi xảy ra tình huống ngập lụt, đảm bảo an toàn giao thông, nhất là tuyến đường Quốc lộ 1A và an ninh trật tự trên địa bàn thành phố.
Đối với UBND các phường, xã: Chủ động triển khai các phương án ứng phó với bão số 3 trên địa bàn quản lý theo phương châm bốn tại chỗ. Huy động lực lượng, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các lực lượng để sẵn sàng triển khai công tác phòng chống lụt bão. Chỉ đạo kiểm tra, khơi thông hệ thống tiêu thoát nước trong khu dân cư, khu vực sản xuất nông nghiệp, hệ thống kênh, mương... để tránh tình trạng ngập úng. Thời gian hoàn thành trước 15h00’ ngày 06/9/2024. Rà soát, chủ động di dời các hộ gia đình có nhà ở xuống cấp trong khu dân cư để đảm bảo an toàn, chú ý quan tâm đến các hộ gia đình có người già, người neo đơn, gia đình chính sách và gia đình ở các khu nhà không đảm bảo an toàn. Báo cáo danh sách hộ gia đình có nhà ở xuống cấp về UBND thành phố (qua Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội) trước 13h00’ ngày 06/9/2024 (trong đó đề xuất rõ các trường hợp cần hỗ trợ di chuyển). Kiểm tra, tháo dỡ băng zôn, khẩu hiệu, cờ... và biển quảng cáo, các loại bảng điện tử không an toàn trong các khu dân cư trên địa bàn. Thời gian hoàn thành trước 15h00’ ngày 05/9/2024.
Các thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN thành phố được phân công phụ trách theo từng địa bàn chịu trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc thường xuyên tại địa bàn. Khi có bão khẩn cấp phải có mặt tại địa bàn được phân công để chỉ đạo, tổ chức, hướng dẫn nhân dân phòng chống lụt bão. Thường xuyên báo cáo tình hình về Ban Chỉ huy PCTT và TKCN thành phố. Đối với các đồng chí không phụ trách địa bàn thường trực tại trụ sở UBND thành phố để xử lý, giải quyết các trường hợp đột xuất khi cần thiết. UBND các phường, xã: Phân công cán bộ, lực lượng thường trực xử lý kịp thời các tình huống. Thời gian trực: Từ 16h00’ ngày 06/9/2024, cả ngày 07/9/2024 (thứ Bảy) đến khi bão tan. Từ 16h00’ ngày 06/9/2024 và trong ngày 07/9/2024 (thứ Bảy), yêu cầu các đơn vị báo cáo tình hình phòng, chống lụt bão theo giờ (bằng điện thoại) về đồng chí Trưởng ban Chỉ huy và Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thành phố (qua phòng Kinh tế) để tổng hợp
Hoàng Bình
Trực tuyến: 282
Hôm nay: 1411