Sáng 28/11, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị phổ biến, quán triệt Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và các văn bản liên quan về thi hành luật theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, kết nối đến 63 điểm cầu tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tại phòng hội thảo Nhà Văn hóa thành phố, đồng chí Vũ Đình Chiến, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố chủ trì điểm cầu thành phố; lãnh đạo và chuyên viên theo dõi thực hiện công tác dân chủ của các Ban xây dựng Đảng; Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố và các tổ chức chính trị - xã hội; các phòng, đơn vị trực thuộc UBND thành phố. Hội nghị được kết nối đến điểm cầu cấp phường, xã với sự tham dự của lãnh đạo UBND phường, xã và cán bộ, công chức theo dõi nhiệm vụ công tác dân chủ.
Quang cảnh Hội nghị.
Tại hội nghị, các đại biểu được nghe các báo cáo viên của Bộ Nội vụ, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch quán triệt, phổ biến nội dung chính, trọng tâm của Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật (sự cần thiết ban hành Luật; mục đích, quan điểm xây dựng Luật; những nội dung cơ bản và điểm mới của Luật…), những vấn đề thường xuyên gặp vướng mắc từ cơ sở; phổ biến các nội dung cơ bản của Nghị định số 59/ 2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở và Nghị định số 61/ 2023 của Chính phủ quy định về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư.
Theo đó, Luật số 10/2022/QH15 Thực hiện dân chủ ở cơ sở được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 4 ngày 10/11/2022, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023. Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở có 6 chương, 91 điều, là văn bản pháp lý cao nhất từ trước đến nay, nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; quy định về nội dung, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở. Về nguyên tắc thực hiện dân chủ ở cơ sở, luật quy định 6 nguyên tắc cơ bản; trong đó nhấn mạnh việc thực hiện dân chủ ở cơ sở trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm trật tự, kỷ cương, không cản trở hoạt động bình thường của chính quyền địa phương cấp xã, cơ quan, đơn vị, tổ chức có sử dụng lao động. Để bảo đảm việc thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, thiết thực các quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở, luật đã có những quy định riêng về các biện pháp bảo đảm thực hiện, các hành vi bị nghiêm cấm và xử lý vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở theo hướng phát huy sự chủ động, tích cực, thực hiện linh hoạt của cơ sở và bảo đảm việc thực hiện các quy định khác của pháp luật có liên quan khi điều chỉnh về cùng một nội dung. Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở có ý nghĩa quan trọng trong quá trình xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, nhằm phát huy quyền dân chủ cần thiết của công dân, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong thực hiện dân chủ; đồng thời, đề cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc công khai, minh bạch quy chế dân chủ.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại các điểm cầu trên toàn quốc cũng đã thảo luận, làm rõ những nội dung liên quan đến Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở, cũng như khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực tế.
Thông qua hội nghị nhằm trang bị kiến thức giúp cán bộ, công chức, viên chức, hội viên các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội từ thành phố đến xã, phường nắm vững nội dung cơ bản, mục tiêu, quan điểm trong việc xây dựng và ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở của Quốc hội khóa XV. Từ đó lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong Nhân dân góp phần xây dựng thành phố Tam Điệp và đất nước ngày càng phát triển.
Kim Dung
Trực tuyến: 139
Hôm nay: 1307