Sáng 23-9, tại Phòng họp tầng 1, nhà B, Trụ sở cơ quan HĐND - UBND thành phố, UBND thành phố tổ chức Hội nghị xem xét, thống nhất một số nội dung liên quan đến công tác triển khai thực hiện Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình sản xuất nông nghiệp đa canh giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn thành phố.
Quang cảnh hội nghị.
Đồng chí Hoàng Mạnh Hùng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố, chủ trì Hội nghị; đồng chí Đinh Văn Thanh, UVBTV Thành ủy, Phó Chủ tịch HĐND thành phố;các đồng chí Phó Chủ tịch UBND thành phố; lãnh đạo Ban Kinh tế - Xã hội HĐND thành phố; Trưởng phòng và Chuyên viên phụ trách lĩnh vực có liên quan các phòng: Kinh tế, Tài chính - Kế hoạch, Quản lý đô thị, Tài nguyên và Môi trường; lãnh đạo Văn phòng HĐND - UBND thành phố; Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND và Công chức Địa chính, Giao thông xây dựng các phường, xã: Yên Bình, Tân Bình, Yên Sơn.
Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 19/4/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy về lãnh đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình sản xuất đa canh giai đoạn 2021 - 2022, định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết số 04-NQ/TU), UBND thành phố đã kịp thời chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện trên địa bàn thành phố; đồng thời chỉ đạo tổ chức tuyên truyền nghị quyết đến cán bộ, đảng viên và nhân dân để tích cực tham gia triển khai thực hiện Nghị quyết, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho các hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Trong đó đã tập trung chỉ đạo các xã, phường códiện tích lúa thực hiện chuyển đổi rà soát, lập quy hoạch vùng chuyển đổi, đến nay, UBND thành phố đã ban hành quyết định phê duyệt Quy hoạch vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình sản xuất nông nghiệp đa canh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn xã Yên Sơn, phường Tân Bình, phường Yên Bình làm cơ sở cho các đơn vị xây dựng kế hoạch thực hiện chuyển đổi hằng năm. Tổng diện tích chuyển đổi từ tháng 8/2021 – tháng 8/2024 là 43 ha; trong đó: Phường Yên Bình chuyển 6,35 ha; 06 hộ; 20 thửa; Phường Tân Bình chuyển đổi 03 ha; 02 hộ; 10 thửa; Xã Yên Sơn chuyển đổi 33,64 ha; 40 hộ; 41 thửa, trong đó có 11/41 thửa có diện tích chuyển đổi nhỏ hơn 3.600m2.
Nhìn chung, các mô hình chuyển đổi bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với trồng lúa, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, tạo ra các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp có chất lượng cao cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm là14,72 ha, cây trồng chủ yếu là trồng rau các loại, cây sen, hoa, cỏ để nuôi cá, trong đó có mô hình chuyển đổi sang trồng cây sen lấy củ kết hợp thả cá ở phường Yên Bình là mô hình có hiệu quả kinh tế cao. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng cây lâu năm là 5,31 ha, cây trồng chủ yếu là cây ăn quả: Tràm, bưởi, mít, ổi, .. hiện tại cây đang trong giai đoạn kiến thiết. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi thủy sản là 22,96 ha, mô hình được nhân dân ở các địa phương nhân rộng, với các con nuôi truyền thống có giá trị kinh tế như: Cá trắm đen, chép, chuối, có doanh thu cao gấp 5 - 6 lần so với trồng lúa.
Sự chuyển đổi chủ yếu được thực hiện nhờ các hộ dân trên địa bàn các phường, xã tự đầu tư kinh phí chuyển đổi phát triển mô hình kinh tế; tuy nhiên đến nay, việc lập hồ sơ đề nghị thành phố cấp kinh phí hỗ trợ cho các hộ đã chuyển đổi chưa thực hiện được do có vướng mắc về thủ tục pháp lý liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa, hoặc việc tập trung tích tụ ruộng đất bằng hình thức chuyển nhượng, thuê đất.
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đã nêu lên những khó khăn trong tổ chức thực hiện như: Công tác cấp giấy chứng nhận sau dồn điền đổi thửa chưa được thực hiện; nhiều hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông nghiệp trong vùng quy hoạch có diện tích đất lúa nhỏ lẻ, khó khăn về vốn, kỹ thuật, không có khả năng tích tụ ruộng đất; việc tích tụ, tập trung ruộng đất của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân để đảm bảo diện tích, quy mô chuyển đổi theo Đề án còn gặp khó khăn; một số vùng đất trồng lúa chủ yếu là đất trũng, lầy thụt, có thổ nhưỡng đất phèn chua không phù hợp chuyển sang trồng cây hàng năm hoặc lâu năm; vốn đầu tư ban đầu lớn, giá vật tư đầu vào tăng cao, do vậy, nhiều hộ đã thực hiện chuyển đổi từng phần một nên các vùng chuyển đổi chưa đồng bộ theo quy hoạch….Đồng thời các đại biểu cũng giành nhiều thời gian để bàn các giải pháp tổ chức thực hiện Đề án trong thời gian tới.
Đồng chí Hoàng Mạnh Hùng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố kết luận hội nghị.
Kết luận hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND thành phố khẳng định tính nhân văn, cần thiết và đúng đắn của Đề án. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, thực hiện vẫn còn gặp một số vướng mắc, khó khăn. Từ thực tiễn đó, đồng chí đề nghị, phường Yên Bình, Tân Bình và xã Yên Sơn nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc thực hiện Đề án; có phương pháp tuyên truyền hiệu quả các hộ gia đình, cá nhân tham gia thực hiện chuyển đổi, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn của thành phố từng bướctháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện Đề án.
Đối với diện tích đã chuyển đổi, yêu cầu các cơ quan, đơn vị nghiên cứu luật đất đai mới để xử lí dứt điểm vi phạm của 6 hộ dân đã thực hiện chuyển đổi, tạo điều kiện để người dân thực hiện chuyển đổi theo đúng quy định; đối với 43 hộ đã chuyển đổi có diện tích đảm bảo theo quy mô của Đề án: Rà soát toàn bộ nguồn gốc, biến động đất đai và hiện trạng đất của từng hộ. Qua đó, xác nhận diện tích đất sử dụng hợp pháp đối với những hộ đảm bảo đủ điều kiện. Hướng dẫn các hộ gia đình hoàn thiện hồ sơ chuyển đổi đảm bảo yêu cầu; đối với 11 thửa có diện tích nhỏ hơn 3.600m2: Khuyến khích các hộ tích tụ ruộng đất, mở rộng quy mô sản xuất trong vùng quy hoạch, kịp thời báo cáo UBND thành phố để trình HĐND thành phố xem xét; đối với diện tích chưa chuyển đổi, đề nghị các phường, xã tổng hợp danh sách các hộ gia đình, cá nhân có mong muốn, nhu cầu chuyển đổi trong năm 2024, 2025 và giai đoạn tiếp theo. Đồng hành, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho từng hộ gia đình căn cứ theo Điều 45 Luật đất đai năm 2024 để giải quyết; đối với việc xây dựng công trìnhtạm trên đất, trước mắt thực hiện theo hướng dẫn tạm thời số 1489/UBND-KT ngày 29/8/2022 của UBND thành phố; tạo điều kiện từ các nguồn vốn vay, ưu tiên cho các hộ phát triển kinh tế vùng chuyển đổi;
Đối với việc hoàn thiện kết cấu hạ tầng vùng chuyển đổi, đồng chí yêu cầu các phường xã (Yên Bình, Tân Bình, Yên Sơn) khẩn trương rà soát, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên và báo cáo về UBND thành phố trước ngày 30/9/2024.
Giao phòng Tài nguyên Môi trường trên cơ sở hiện trạng sản xuất thực tế của từng hộ đã thực hiện chuyển đổi phù hợp với quy hoạch hướng dẫn các địa phương rà soát toàn bộ nguồn gốc, biến động đất đai và hiện trạng đất của từng hộ, có giải pháp xác định tính hợp pháp của người sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi để người dân được chuyển đổi. Đồng chí yêu cầu Phòng đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đo đạc, chỉnh lý bản đồ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính thành phố Tam Điệp làm cơ sở cho công tác quản lý, sử dụng đất đai.
Giao Phòng Quản lý đô thị chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, hướng dẫn các đơn vị thực hiện Đề án đảm bảo quy hoạch của thành phố phê duyệt; giám sát quá trình triển khai thực hiện chuyển đổi của các đơn vị; kiểm tra, giám sát việc xây dựng các hạng mục phụ trợ cho việc chuyển đổi của các tổ chức, cá nhân đảm bảo phù hợp với tiêu chí, định mức theo hướng dẫn tạm thời số 1489/UBND-KT ngày 29/8/2022 của UBND thành phố; tính toán đến phương án uỷ quyền cho cấp xã cấp phép tạm thời đối với việc xây dựng công trình tạmtrên đất.
Giao Phòng Tài chính Kế hoạch tham mưu, phân bổ nguồn vốn hỗ trợ các đơn vị theo Đề án; thường xuyên giám sát quá trình thực hiện hỗ trợ kinh phí cho tổ chức, các nhân thực hiện Đề án.
Giao phòng kinh tế thành phố chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh, tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu về đào tạo từng ngành nghề có liên quan. Đồng thời, nghiên cứu Luật đất đai 2024 đề xuất, bổ sung, điều chỉnh Đề án và văn bản hướng dẫn tạm thời số 1489/UBND-KT ngày 29/8/2022 của UBND thành phố đảm bảo phù hợp với quy định hiện hành, hoàn thành trước 10/10/2024.
Đối với những hộ có khó khăn do diện tích nhỏ lẻ, khuyến khích và tạo điều kiện hỗ trợ các hộ gia đình thuê đất, đổi đất của các hộ liền kề để thực hiện Đề án hiệu quả. Đồng thời hướng dẫn các hộ sản xuất thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết sản xuất và tiêu thụ, ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh nông sản; khuyến khích và hướng dẫn người dân xây dựng mô hình điểm ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất sau khi chuyển đổi; tập trung đầu tư nâng cao giá trị sản phẩm, hình thành vùng sản xuất chuyên canh.
Thương Thương
Trực tuyến: 222
Hôm nay: 1462