Ngay sau hành trình tri ân về nguồn tại các tỉnh Miền Trung, từ ngày 27/7 - 30/7/2023, Đoàn công tác số 2 Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Tam Điệp do đồng chí Hoàng Mạnh Hùng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố làm Trưởng đoàn đã thay mặt Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Thành phố tiếp tục nối tiếp chuyến hành trình tri ân đi thăm viếng, thắp hương, tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ tại di tích lịch sử thuộc một số tỉnh Tây Bắc. Tham gia cùng Đoàn có đồng chí Đinh Văn Thanh UV BTV Thành ủy, Phó Chủ tịch HĐND Thành phố cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020 - 2025, các vị đại biểu HĐND thành phố khóa IX, nhiệm kỳ 2021-2026 và lãnh đạo một số phòng, ban của thành phố. Tây Bắc - Nơi diễn ra những trận đánh vô cùng ác liệt, trên các điểm cao 1509, 772, 685, Đồi Đài, Đồi Cô Ích… những địa danh và vô vàn chiến công đã ghi vào lịch sử chiến tranh giữ nước vĩ đại của dân tộc. Trong đó, chiến thắng trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Bắc có ý nghĩa rất to lớn, nhưng tổn thất mất mát cũng không thể kể xiết. Hơn 4.000 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, hầu hết ở độ tuổi thanh xuân - Lứa tuổi đẹp nhất trong cuộc đời của mỗi con người. Với tinh thần “Sống bám đá đánh giặc, chết hoá đá bất tử”, các anh đã vĩnh viễn nằm lại mảnh đất nơi địa đầu cực Bắc; nằm lại với đất mẹ thân yêu, những chiến công và tên tuổi của các anh đã trở thành bất tử, khắc ghi vào lịch sử dân tộc và mãi mãi ghi nhớ trong tâm trí mỗi thế hệ người dân Việt Nam.
Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên nơi an nghỉ của 1.872 liệt sỹ và 1 mộ liệt sỹ tập thể.
Đất trời Vị Xuyên trong cái nắng rực lửa tháng Bảy, Đảng bộ và Nhân dân Thành phố Tam Điệp - những người con đất Việt được sống trong thời bình lại lặng mình tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh cho nền độc lập, hòa bình và tri ân những người đã trở về sau khói lửa của cuộc chiến, có người đã gửi lại một phần máu xương nơi chiến trường để bảo vệ bình yên cho Tổ quốc, cho Nhân dân. Và trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ Quốc ở biên giới phía Bắc. Hà Giang là địa bàn trọng điểm, trong đó Mặt trận Vị Xuyên là chiến trường ác liệt. Tại nơi đây, nhiều cán bộ, chiến sĩ ở mọi miền đất nước và đồng bào ta đã hy sinh trên mảnh đất này. Đến nay, vẫn còn hàng ngàn liệt sĩ nằm rải rác trên khắp chiến trường Vị Xuyên vẫn chưa tìm được hài cốt, nhiều mộ liệt sĩ chưa có tên trong nghĩa trang...
Đồng chí Hoàng Mạnh Hùng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố và đồng chí Đinh Văn Thanh UV BTV Thành ủy, Phó Chủ tịch HĐND Thành phố thỉnh chuông tại đền thờ Anh hùng liệt sĩ Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên , Hà Giang.
Tháp chuông trước Đền thờ Anh hùng liệt sĩ Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên lại được ngân vang như thể hiện sự tri ân về miền xa thẳm của Đoàn đại biểu Thành phố...
Đoàn đại biểu của thành phố Tam Điệp kính cẩn dâng hoa, dâng hương tại Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên , Hà Giang.
Trong giờ phút thiêng liêng và xúc động, trước đài Tổ quốc ghi công uy nghi, linh thiêng của Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên, đồng chí Hoàng Mạnh Hùng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố cùng đoàn đại biểu đã dâng hoa, dâng hương, bày tỏ lòng thành kính tưởng nhớ và biết ơn vô hạn các anh hùng liệt sỹ, những người con yêu dấu của mọi miền Tổ quốc đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc để non sông, đất nước được hòa bình, Nhân dân được ấm no, hạnh phúc.
Đồng chí Hoàng Mạnh Hùng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố thỉnh chuông tại điểm cao 468 Thanh Thủy, Hà Giang.
Đoàn đại biểu của thành phố Tam Điệp kính cẩn dâng hoa, dâng hương tại Đền thờ và Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại điểm cao 468 Thanh Thủy, Hà Giang.
Tiếp đó, Đoàn đã đến dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại Đài hương tưởng niệm 468 thuộc thôn Nậm Ngặt, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Nơi đây chính là cao điểm 468 của chiến trường khốc liệt Vị Xuyên, nơi mà các chiến sỹ của chúng ta đã chiến đấu quả cảm để giành giật từng mét đất với giặc. Có những nơi, hốc đá bên này là bộ đội mình, bên kia là quân Trung Quốc, nhưng chỉ cách nhau vài mét. Với tinh thần anh dũng quả cảm của các chiến sỹ, tại đỉnh cao 1509, 685, 772 phía đối diện. Trong đó, đỉnh núi 685 thì người ta gọi là Lò vôi thế kỷ, do hàng ngàn tấn đạn pháo của Trung Quốc bắn sang biến đá thành vôi. Đỉnh cao 772, được gọi là đồi thịt băm vì nhiều chiến sỹ của ta hy sinh do đạn pháo bắn sang, thung lũng Nậm Ngặt được mệnh danh là thung lũng tử thần. Những địa danh không thể quên này được nhắc đi nhắc lại trong chuyến hành trình Tây Bắc đã cho Đoàn đại biểu hình dung ra sự khối liệt dường nào. Chỉ riêng ngày 12/7/1984, ngày khốc liệt nhất của cuộc chiến, hơn 1.000 người lính đã ngã xuống tại những cao điểm này. Họ đa phần mới 18-20, đầy nhiệt huyết và quyết tâm bảo vệ Tổ quốc. Các anh đã chiến đấu với tinh thần “Sống bám đá - Chết hóa đá - Thành bất tử” như câu nói được khắc trên báng súng của Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Viết Minh.
Đồng chí Hoàng Mạnh Hùng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố và đồng chí Đinh Văn Thanh UV BTV Thành ủy, Phó Chủ tịch HĐND Thành phố thay mặt Đảng bộ và chính quyền Thành phố Tam Điệp tặng quà cho CCB đã tham gia chiến đấu tại Mặt trận Vị Xuyên đang sinh sống tại Hà Giang có hoàn cảnh khó khăn
Phát huy tinh thần sẻ chia, thay mặt lãnh đạo Thành phố, đồng chí Hoàng Mạnh Hùng, Phó Bí thư Thành ủy, chủ tịch UBND Thành phố và đồng chí Đinh Văn Thanh, UV BTV Thành ủy, Phó Chủ tịch HĐND thành phố đã ân tình trao tặng những món quà ý nghĩa cho các Cựu Chiến binh có hoàn cảnh khó khăn từng chiến đấu trên chiến trường Vị Xuyên đang sinh sống trên địa bàn Hà Giang. Mong rằng những món quà sẽ góp một phần nhỏ, động viên tinh thần, tạo động lực cho các gia đình phấn đấu vươn lên trong cuộc sống. Đồng thời, đồng chí bày tỏ khi được trở về Mảnh đất Vị Xuyên hôm nay, không chỉ riêng đồng chí mà mỗi thành viên trong đoàn đều mang trong mình ký ức hào hùng về những người lính quả cảm năm nào, họ đã dâng trọn tuổi thanh xuân để bảo vệ vùng biên ải và càng biết ơn trân trọng những tấm gương cựu chiến binh với ý chí tự lực, tự cường vượt khó vươn lên đã phát huy bản chất Bộ đội Cụ Hồ hòa mình vào cuộc sống thời bình, giúp đỡ nhau trong hoạn nạn, lan tỏa tình yêu thương, nhân ái trong xã hội để trở thành hình mẫu trong cuộc sống. Đồng chí mong các Cựu chiến binh không chỉ anh hùng trong chiến đấu mà sẽ trở thành các chiến sĩ tiên phong chống lại đói nghèo, là những tấm gương sáng cho các thế hệ trẻ noi theo, khích lệ, truyền cảm hứng, lan tỏa tinh thần vượt khó vươn lên....".
Xúc động trước Đoàn đại biểu thành phố, các Cựu chiến binh đã bày tỏ cảm kích trước những nghĩa cử cao đẹp của Đoàn đại biểu Thành phố Tam Điệp. Đoàn đã về với địa phương và trao tặng những món quà ý nghĩa thiết thực cho các CCB. Đây là sự tri ân, đồng thời là sự động viên đối với các gia đình, cá nhân được tặng quà nói riêng, với người dân Vị Xuyên nói chung.
Đoàn đại biểu nghiêm trang chào cờ tại Cột Cờ Quốc gia Lũng Cú.
Nhân dịp này, Đoàn đại biểu đã đến thăm và thực hiện nghi thức chào cờ tại Cột cờ Quốc gia Lũng Cú. Trong không khí trang nghiêm của buổi lễ, sau khi cán bộ Đồn Biên phòng Lũng Cú hô khẩu lệnh: “Nghiêm! Chào cờ! Chào!”, Đoàn đại biểu đã đứng trang nghiêm, hướng mắt lên Quốc kỳ và đồng thanh hát Quốc ca trước lá cờ rộng 54m2 tượng trưng cho 54 dân tộc Việt Nam được kéo từ từ lên ngọn kỳ đài trên đỉnh núi Rồng. Những giai điệu hào hùng của Quốc ca được vang lên, hòa nhịp cùng tiếng gió của cao nguyên đá càng làm cho không khí của buổi lễ thêm trang nghiêm, linh thiêng trong niềm xúc động, tự hào của tất cả các thành viên trong Đoàn tham gia. Được biết, Nghi lễ chào cờ tại cột cờ quốc gia Lũng Cú được tiến hành thường xuyên nhằm giáo dục, tuyên truyền cho cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân trên địa bàn khu vực biên giới và du khách lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Qua đó, góp phần củng cố tinh thần đại đoàn kết, khát vọng vươn lên, cùng nhau đoàn kết, quyết tâm xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.
Đoàn đại biểu thăm và tặng quà cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên Phòng Lũng Cú, tỉnh Hà Giang.
Tới thăm và tặng quà Đồn Biên phòng Lũng Cú đứng chân trên địa bàn xã Ma Lé, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, địa điểm cực Bắc của Tổ quốc. Đồng chí Hoàng Mạnh Hùng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố đã động viên cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Lũng Cú, đồng thời chia sẻ với những khó khăn mà cán bộ chiến sĩ gặp phải trong quá trình công tác. Đồng chí mong muốn trong thời gian tới tập thể cán bộ chiến sĩ đơn vị tiếp tục phát huy thành tích đã đạt được, luôn thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trên mọi mặt công tác, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, toàn vẹn lãnh thổ, tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo và tổ chức thực hiện tốt các chương trình an sinh xã hội tại địa phương. Chúc các cán bộ, chiến sĩ của đồn luôn phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao, luôn chắc tay súng bảo vệ vững chắc biên giới của Tổ Quốc.
Được biết, Đồn Biên phòng Lũng Cú có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ trên 25km đường biên giới với tổng số 26 cột mốc và quản lý địa bàn 2 xã Ma Lé và Lũng Cú, huyện Đồng Văn. Hiện nay, đồn thực hiện 3 chức năng chính là bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và đối ngoại biên phòng. Song song đó, cán bộ, chiến sĩ của đồn còn thực hiện công tác hỗ trợ địa phương trong việc phát triển kinh tế - xã hội.
Đoàn đại biểu dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại lán Nà Nưa, Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào
(thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang).
Đến dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại lán Nà Nưa, Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào, các thành viên trong đoàn đại biểu đã bày tỏ lòng thành kính, biết ơn vô hạn đối với công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài của Đảng ta, Nhân dân ta, nhà hoạt động lỗi lạc của phong trào Cộng sản và công nhân Quốc tế. Người đã cống hiến, hy sinh trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, đấu tranh cho sự nghiệp hòa bình và hạnh phúc của dân tộc Việt Nam và nhân loại. Trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đoàn đại biểu thay mặt Đảng bộ và nhân dân Thành phố Tam Điệp hứa với Bác tiếp tục quán triệt sâu sắc việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người; phát huy mạnh mẽ truyền thống quê hương cách mạng, đoàn kết, tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên, đẩy mạnh các phong trào thi đua, phấn đấu hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị năm 2023. Qua đó tạo tiền đề vững chắc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Tam Điệp lần thứ X.
Đoàn đại biểu đến thăm lán Nà Nưa, cây đa Tân Tào, đình Tân Trào - những chứng tích của lịch sử cách mạng hơn 72 năm trước. Lán Nà Nưa nằm trong khu rừng Nà Nưa, ở thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, là nơi Bác Hồ đã ở, làm việc từ cuối tháng 5 đến ngày 22/8/1945 để lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng 8 giành chính quyền trong cả nước. Tại lán Nà Nưa, Bác Hồ đã chỉ thị thành lập Khu giải phóng gồm 6 tỉnh Cao Bằng - Bắc Kạn - Lạng Sơn - Hà Giang - Tuyên Quang - Thái Nguyên. Từ căn lán nhỏ Nà Nưa, những chủ trương, chiến lược cho cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám đã được Bác và các đồng chí lãnh đạo Đảng đề ra, tạo ra bước ngoặt có ý nghĩa lịch sử vĩ đại, đưa dân tộc Việt Nam chấm dứt những ngày tháng nô lệ lầm than, bước sang kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Lán Nà Nưa, là một trong số 138 di tích, cụm di tích trong khu di tích lịch sử Tân Trào được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích Quốc gia đặc biệt, ngày 10/5/2012.
Chuyến hành trình Tri ân đã khép lại với những trải nghiệm ý nghĩa, là động lực tiếp thêm niềm tự hào dân tộc, cháy lên khát khao được cống hiến cho đất nước và xã hội. Đó cũng là nguồn cội của sức mạnh để các thành viên trong Đoàn vững vàng trên hành trình đến với ngày mai. Mỗi địa điểm đến của chuyến hành trình, Đoàn đều được nghe rất nhiều câu chuyện cảm động về những người lính. Không thể nào kể hết được những câu chuyện đau thương và anh dũng của họ. Đoàn trân trọng thành kính gửi về miền Tây Bắc linh thiêng những hoài niệm và lòng biết ơn thành kính! Xúc động xen lẫn tự hào trước sự hy sinh to lớn, tinh thần bất diệt, tấm gương sáng ngời của các Anh hùng liệt sỹ. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng dư âm của nó vẫn còn trong mỗi làng quê, con phố khắp đất nước Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Máu đào của các chiến sỹ đã nhuốm lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh của các liệt sỹ đã chuẩn bị cho đất nước nở hoa độc lập, kết quả tự do”. Các anh nằm đây giữa lòng đất Mẹ. Các anh mãi mãi là những người con anh hùng của một dân tộc anh hùng. Mỗi thành viên trong Đoàn nguyện hứa với lòng mình sẽ tiếp nối truyền thống anh hùng của dân tộc Việt Nam, không ngừng học tập, rèn luyện, phấn đấu, cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với sự hy sinh cao cả của các Anh hùng liệt sỹ.
Và những câu trong bài hát "Qua miền Tây Bắc" của tác giả Nguyễn Thành vẫn văng vẳng bên tai Đoàn đại biểu:
“...Đây miền Tây Bắc ta phá đồn giặc tan, nương lúa xanh về ta vui sống trong tự do. Miền rừng núi hướng về Cha già, từ đây đời sống chan hoà. Chiến thắng miền Tây Bắc hân hoan một niềm vui…”.
Thời gian là dòng chảy đẩy lùi mọi mất mát đau thương, nhưng những trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam vẫn còn mãi như một nhân chứng sống về sự tàn khốc của chiến tranh và cũng là minh chứng cho sự kiên cường bất khuất của cả một dân tộc.
Tố Lan - Xuân Hồng
Trực tuyến: 145
Hôm nay: 1347