Trong điều kiện nguồn ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, chi ngân sách dành cho lĩnh vực văn hóa hằng năm còn khiêm tốn, thì tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa là nguồn tài chính rất quan trọng, đã và đang đóng góp tích cực cho hoạt động tu bổ, tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nói riêng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung.
Để quản lý, sử dụng tiền công đức đúng mục đích, ngày 19/01/2023, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 04/2023/TT-BTC hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội; Thông tư số 04/2023/TT-BTC chính thức có hiệu lực từ ngày 19/3/2023. Đây là văn bản tạo hành lang pháp lý, vừa tạo điều kiện cho người dân và các tổ chức tham gia phát triển kinh tế -xã hội, vừa tạo ra sự tin tưởng, giúp công khai, minh bạch tiền công đức để nét sinh hoạt văn hóa này văn minh, tiến bộ hơn.
Từ xưa tới nay, việc “phát tâm công đức, giọt dầu” là nét đẹp văn hóa, là thói quen của nhiều người dân mỗi khi tới các cơ sở thờ tự, tín ngưỡng. Các khoản công đức được sử dụng vào mục đích tốt đẹp, đó là lan tỏa tính hướng thiện cho con người, mang lại giá trị hữu ích cho cộng đồng và xã hội thông qua việc tu sửa, nâng cấp kiến trúc, đầu tư trang thiết bị cho đền, chùa, miếu và duy trì hoạt động.
Tuy nhiên tại 2 di tích lịch sử văn hóa đền Dâu, đền Quán Cháo việc quản lý, sử dụng thu, chi nguồn tiền công đức từ năm 2023 trở về trước còn tồn tại nhiều bất cập, sai phạm, có việc tác động tiêu cực đến công tác giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa và đời sống tâm linh, tín ngưỡng của Nhân dân, nội bộ Ban quản lý (Ban quản lý do UBND phường công nhận) và các thành viên trực đền phát sinh mâu thuẫn, đơn thư khiếu nại, tố cáo rất phức tạp chủ yếu xoay quanh vấn đề tài chính, gây mất an ninh trật tự và bức xúc dư luận, làm ảnh hưởng đến những giá trị tốt đẹp vốn có của di tích, đi ngược lại với thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam.
Trước thực trạng đó, ngày 16/10/2023, UBND thành phố đã ban hành Quyết định thành lập Ban quản lý các di tích lịch sử - văn hóa đền Dâu, Ban quản lý di tích lịch sử - văn hóa đền Quán Cháo theo đúng Quyết định số 34/QĐ-UBND, ngày 14/12/2015 của UBND tỉnh Ninh Bình. Việc quản lý di tích theo mô hình mới được thực hiện từ tháng 01/2024, đã đạt được một số kết quả nhất định; tuy nhiên, những vi phạm tồn tại kéo dài từ nhiều năm trước vẫn chưa được giải quyết triệt để, nhất là việc quản lý, sử dụng tiền công đức. Mặc dù thành phố đã có biện pháp răn đe, giáo dục, nhắc nhở nhiều lần, nhưng những thành viên Tổ trực đền vẫn cố tình chống đối, chưa thực sự hợp tác theo sự chỉ đạo của Ban Quản lý và UBND thành phố Tam Điệp. Nguồn thu, chi từ các khoản tài trợ, công đức, dầu nhang cho hoạt động của nhà đền và việc trùng tu, tôn tạo, mở rộng di tích chưa được quản lý tập trung theo đúng quy định Thông tư số 04/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính. Theo quy định thì tiền "dầu nhang" hay tiền "giọt dầu" đều được coi là tiền công đức và cần phải thu gom, kiểm đếm chung về một mối nhưng tại di tích lịch sử văn hóa đền Dâu, đền Quán Cháo thì Ban Quản lý, quản lý và thu chi tiền “công đức” và Tổ trực đền lại quản lý, thu chi tiền “Dầu nhang”.
Kể từ khi thay đổi cách thức quản lý mới, việc quản lý tiền “công đức” của Ban quản lý thành phố được thực hiện nghiêm túc theo Thông tư số 04/2023/TT-BTC của Bộ tài chính về quản lý, thu chi tiền công đức. Mở tài khoản tại Ngân hàng Công thương để quản lý thu, chi; Ban quản lý tiến hành mở Hòm công đức 1 lần/1 tháng và được ghi chép, mở sổ kế toán đầy đủ theo quy định. Tổng số tiền “công đức” thu được từ ngày 01/02/2024 đến 05/6/2024 là 659.147.000 đồng; đã chi 54.072.700 đồng, bằng 8,2% tổng thu; dư quỹ 605.074.300 đồng, chiếm tỷ lệ 91,8 % tổng thu.
Đối với việc quản lý tiền "dầu nhang" của Tổ trực đền, Tổ trực đền đã tiến hành mở Hòm "dầu nhang" theo từng ca trực (3 ngày mở hòm 1 lần). Việc thu, chi tài chính, Tổ trực đền tạm thời thực hiện theo nghị quyết chi bộ, quy ước Tổ dân phố, Quy chế hoạt động của nhà đền (do Ban quản lý nhà đền ban hành năm 2016). Theo báo cáo, từ ngày 08/02/2024 đến 05/6/2024, tổng số tiền “dầu nhang” thu được là 4.442.250.000 đồng. Mặc dù là tiền lẻ, nhưng gom lại vẫn là một nguồn tiền lớn cho thấy người dân thành phố và du khách thập phương có nhu cầu rất lớn trong việc phát tâm công đức đóng góp tu bổ, tôn tạo di tích và tổ chức lễ hội tại 2 di tích. Từ quỹ thu, Tổ trực đền đã chi 3.241.243.000 đồng, chiếm 73% tổng thu (Tổ trực đền chi gấp 7 lần tỷ lệ phần trăm Ban quản lý chi) còn dư quỹ là 1.344.807.000 đồng, bằng 27% tổng thu. Điều đáng nói, tổng số tiền “dầu nhang” thu được, Tổ trực đền chỉ dành một phần nhỏ là 132.632.000 đồng (bằng 3% tổng thu) để chi cho mua sắm lễ hàng ngày và chi cho giỗ Mẫu; vẫn tiếp tục dành phần lớn để chi cho con người, với số tiền là 1.953.260.000 (chiếm 60 % tổng chi, gấp gần 15 lần chi cho việc mua sắm lễ hàng ngày và chi cho giỗ Mẫu); nộp về phúc lợi tổ dân phố Lý Nhân đợt 1 là 400 triệu đồng… Số quỹ còn lại Tổ trực đền không mở và gửi vào tài khoản tại Kho bạc hoặc Ngân hàng nhà nước theo quy định; không phù hợp với mục đích, ý nghĩa của tiền công đức. Như vậy có thể thấy, tiền "dầu nhang" không phải là của riêng ai mà là tài sản chung nhưng đã bị Tổ trực đền sử dụng sai mục đích, không có sự tiết kiệm tích lũy để mở rộng khuôn viên, trùng tu, tôn tạo, bảo tồn di tích đền Dâu, đền Quán Cháo theo ước nguyện và mong muốn của người dân khi cúng tiến vào di tích.
Ban quản lý di tích lịch sử văn hóa Đền Dâu - Đền Quán Cháo chỉ để 01 hòm "công đức" ngay chính cửa ra vào để tiếp nhận, ghi danh tiền công đức của Nhân dân và du khách thập phương. Nhưng ngược lại, lợi dụng niềm tin, tín ngưỡng của người dân mà Tổ trực Đền đã cố ý bố trí thêm nhiều hòm "dầu nhang" phong tỏa ở khắp nơi, đặt trước chính điện thờ tại 2 di tích và không theo quy định. Thậm chí đã có hòm "dầu nhang" nhưng tại các ban thờ vẫn để thêm nhiều đĩa để giọt dầu. Chưa kể việc các du khách thập phương đặt lễ tại các vị trí khác nhau như khay đĩa trên ban thờ, đĩa hoa quả, dưới tượng, tất cả nguồn tiền này đều không được bỏ vào hòm "công đức" để kiểm đếm chung mà do Tổ trực đền coi là của riêng thu lại và bỏ vào hòm "dầu nhang", trực tiếp quản lý, sử dụng gây nên tình trạng thương mại hóa, thậm chí lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi cho cá nhân, gây bức xúc cho người dân khi đến tham quan chiêm bái. Trách nhiệm thì đùn đẩy nhưng quyền lợi thu từ tiền "dầu nhang" thì lại muốn “vơ vào”. Đặc biệt, dư luận hết sức bức xúc trước vụ việc một số thành viên Tổ trực đền có những hành động, cử chỉ thiếu văn hóa khi nhiều lần cầm biển che khe để tiền hòm công đức của Ban quản lý, chèo kéo người dân bỏ tiền "công đức" vào hòm "dầu nhang", gây phản cảm và đã làm ảnh hưởng đến những giá trị truyền thống tốt đẹp, tôn nghiêm, linh thiêng của di tích.
Có thể khẳng định, thực hiện Thông tư số 04/2023/TT-BTC của Bộ tài chính thì rõ ràng thành phố không lấy Đền, không thu tiền công đức từ 2 di tích mà chỉ thực hiện quản lý di tích theo đúng quy định của pháp luật, quản lý, thu, chi tiền công đức đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả. Để sự đóng góp, phát tâm, công quả của Nhân dân thành phố và du khách thập phương được trọn vẹn ý nghĩa, phát huy hiệu quả và đem lại lợi ích chung cho cộng đồng, thì tất cả các khoản công đức, dầu nhang, tiền giọt dầu tại các di tích phải được quản lý tập trung, công khai, minh bạch, theo đúng quy định của pháp luật, tạo niềm tin cho người dân khi phát tâm công đức với tâm nguyện đóng một phần chung tay cùng chính quyền địa phương tiếp tục mở rộng, trùng tu, tôn tạo hai ngôi đền xứng tầm với giá trị lịch sử, văn hóa của di tích, phù hợp với sự phát triển của thành phố.
Ban biên tập
Trực tuyến: 114
Hôm nay: 1076