Trang Thông tin điện tử Thành phố Tam Điệp
Chủ Nhật, 22/12/2024
Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử thành phố Tam Điệp!

TAM ĐIỆP TRONG TÔI

Thứ Tư, 14/12/2022 407 lượt xem
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Mỗi lần được đứng trên đỉnh cao chót vót của ngọn núi Một, một ngọn núi nằm về phía đông bắc của phường Bắc Sơn, phóng tầm mắt dõi nhìn về bốn phía của Tam Điệp là trong tôi lại dâng lên những tình cảm trìu mến và ngỡ ngàng trước vẻ đẹp và tầm vóc của một thành phố trẻ miền đồi. Những con đường nhựa, đường bê tông rợp bóng cây xanh ngang dọc như bàn cờ chạy dài đến tận những phố phường, làng bản, xóm thôn. Những khu nhà cơ quan, trường học to cao hoành tráng. Những ngôi biệt thự nhà vườn kiểu dáng nhã nhặn xinh xinh. Những hồ nước trong xanh. Và xa xa dưới chân những rặng núi lam xanh là cả một biển dứa của thung lũng rộng lớn, là ông khói của nhà máy xi măng, là các khu công nghiệp đang độ hình thành. Thành phố trẻ ấy nếu nhìn về ban đêm thì lung linh huyền ảo không thua kém gì Đà Lạt của Lâm Đồng.

Đối với chúng tôi, những người đã là công dân của vùng đất này từ hơn sáu mươi năm trước thì những gì đang diễn ra trước mặt là cả một sự đổi thay đến diệu kỳ. Bởi vì khi ấy, thì ở đây hoang vắng âm u đến rợn người. Những câu ca dao nghe mà ảm đạm thê lương. Những trang viết hãi hùng như kiểu Liêu Trai trong tiểu thuyết “Ai hát giữa rừng khuya” của Đới Đức Tuấn. Những dáng người vàng vọt bủng beo vì sốt rét rừng. Thế mà giờ đây, một thành phố trẻ đã được hình thành và mỗi ngày một khởi sắc thêm lên. Theo suy nghĩ của tôi thì sự đổi thay ấy đã là một chiến công lừng lẫy của Đảng bộ và nhân dân thành phố Tam Điệp.

Ngay vào thời điểm năm 1992, khi tỉnh Ninh Bình vừa được tái lập, cũng là khi thị xã bước vào tuổi thứ 10 thì cơ sở hạ tầng của Tam Điệp rất nghèo nàn, manh mún, thiếu đồng bộ. Đời sống của người dân còn khó khăn. Công nghiệp, thương mại, dịch vụ chưa phát triển. Song, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự quan tâm, hỗ trợ của các ban ngành của tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tam Điệp qua các thời kỳ đã phát huy truyền thống đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, từng bước vượt qua khó khăn và giành được những kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Theo ông Hoàng Mạnh Hùng, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố cho biết: Trong thời gian tới, thành phố Tam Điệp tập trung phát triển kinh tế một cách toàn diện, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ. Tích cực thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp với yêu cầu công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, tăng giá trị sản phẩm và đóng góp ngân sách lớn. Phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, tiên tiến, phát triển sản phẩm đặc trưng. Tập trung chỉ đạo để xây dựng nông thôn mới theo hướng nâng cao, kiểu mẫu, gắn xây dựng nông thôn mới với đô thị văn minh, hiện đại; Nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo điều hành của hệ thống chính quyền cấp từ thành phố đến xã, phường; Tăng cường quản lý tài chính, ngân sách, sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm hiệu quả các nguồn vốn; Tiếp tục giữ vững phát triển văn hóa xã hội. Giữ vững và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Làm tốt công tác quốc phòng, quân sự địa phương; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội.

Sự chuẩn mực trong định hướng đã đưa Tam Điệp có những bước tiến dài vượt bậc, đánh dấu mốc quan trọng trong sự phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.  Chỉ tính riêng tháng 9 năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 3.057 triệu đồng tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng giá trị  hàng xuất khẩu ước đạt 306,048 triệu USD, tăng 13,6%, tổng giá trị nhập khẩu ước đạt 108,770 triệu USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2021. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 9 tháng năm 2022 đã đạt 252.900 triệu đồng, bằng 114,6% so với dự toán tỉnh giao, 66% so với dự toán thành phố giao; tăng 48% so với cùng kỳ năm 2021. Thu nhập bình quân đầu người của thành phố đạt khoảng 64,9 triệu đồng/năm, tăng 2 lần so với năm 2015 và tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 0,64%.

Đọc những con số trên đây, người vô tình có thể bỏ qua. Còn đối với chúng tôi thì nâng niu trân trọng biết nhường nào. Bởi vì đó là mồ hôi nước mắt, là tấm lòng của trên 100 nghìn người dân trên địa bàn thành phố đang lao động và cống hiến, trong đó có những người đã gắn bó gần như suốt cả cuộc đời với vùng đất lịch sử này. “Đánh Pháp rồi đánh Mỹ/ Người Tam Điệp chung tay/ Từng ngọn núi đồi cây/ Chở che anh bộ đội/ Ngày trở về Ba Dội/ Người cuốc đất trồng chè/ Người gieo hạt cà phê/ Bạt ngàn xanh nương dứa/ Có bao nhiêu đôi lứa/ Mang giọng nói ba miền/ Về xây dựng nông trường/ Trở thành người Tam Điệp/ Nay em vào Cán thép/ Anh nhà máy Xi măng/ Hẹn nhau lúc tầm tan/ Đắm chìm trong đáy mắt”. Những câu thơ giản dị chứa đầy cảm xúc của nhà giáo Ngô Xuân Hành đã như là một bức tranh đẹp giành cho Tam Điệp. Là hơi thở của cuộc sống đang diễn ra sôi động và khẩn trương của những người lao động ở Tam Điệp.

Vào mỗi buổi sáng, khi bình minh đang nhuộm hồng trên thành phố trẻ cũng là lúc nhịp sống hối hả, khẩn trương của một ngày mới bắt đầu. Các em học sinh phổ thông với bộ đồ đồng phục tươi tắn cứ từng tốp tung tăng cắp sách đển trường. Trên con đường số Một, cùng với những đoàn xe xuôi ngược nối đuôi nhau như không bao giờ dứt là những đoàn hàng nghìn, hàng chục nghìn người đèo nhau trên xe gắn máy hoặc trên những chiếc xe ô tô đưa đón công nhân từ Ninh Bình vào, từ Thanh Hóa ra, từ Yên Mô lên, từ Nho Quan xuống đi vào làm việc trong các Công ty lớn nhỏ của Khu công nghiệp Tam Điệp. Nhìn cảnh tượng ấy, trong lòng tôi tự nhiên cảm thấy ấm áp hẳn lên. Cùng lúc này, đi trên những cánh đồng rộng lớn Đồng Giao, tôi như chìm vào một màu xanh rất đượm của cây dứa. Khác hẳn thời bao cấp, đồng đất bây giờ không còn một chỗ trống và cũng không còn cỏ dại nữa. Tất cả là dứa và dứa. Những quả dứa trái vụ cứ thẳng hàng thẳng lối vươn lên hít thở khí trời. Cũng vì thế mà sản lượng dứa những năm gần đây không phải là mười nghìn mà là ba, bốn chục ngàn tấn, mà vẫn chưa đảm bảo đủ đầu vào cho Nhà máy chế biến hiện đại của Công ty Đồng Giao.

Cũng như nhiều huyện thị khác của tỉnh Ninh Bình, Tam Điệp là một địa danh vừa có bề dầy văn hóa lại vừa mang nhiều kỳ tích của lịch sử. Là một vùng đất mà mỗi ngọn núi, mỗi con đường đều ghi nhận những chiến công oanh liệt của dân tộc. Nơi mà 62 năm trước, ngày 20 tháng 7 năm 1960 Bác Hồ kính yêu đã một lần về thăm và để lại trong lòng người dân Tam Điệp những hình ảnh không phai mờ theo năm tháng. Là động lực để nhân dân và cán bộ Tam Điệp mãi mãi học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người. Một vùng đất đẹp, từ xa xưa đã làm rung động tâm hồn những thi hào dân tộc. Nguyễn Du, tác giả Truyện Kiều bất hủ đã dùng hai chữ  “đại địa” có nghĩa là đất lớn để tặng cho Tam Điệp trong bài thơ chữ Hán “Tái du Tam Điệp sơn” (Lại vượt đèo Ba Dội). Vua Thiệu Trị trong chuyến kinh lý Bắc Hà lần đầu vào năm 1842, ngoài một bài thơ được khắc vào bia đá hiện còn lưu giữ trên đỉnh đèo Tam Điệp, nhà vua còn ban tặng cho làng chè Ba Trại nổi tiếng một tên mới là “Phú Ốc”, tức là làng giàu. Chỉ tiếc là cái tên đẹp ấy bây giờ ít người biết đến. May sao nó còn tồn tại trên nóc nhà một ngôi đền nhỏ khiêm nhường dưới bóng mát của cây đa cổ thụ ở thôn Bãi Sải, xã Quang Sơn. 

Phấn khởi trước những thành tựu to lớn đã đạt được, tiếp nối truyền thống qua 40 năm xây dựng và phát triển thị xã (nay là thành phố), theo ông Bùi Thành Đông, tỉnh ủy viên, bí thư Thành ủy: Đảng bộ và Nhân dân thành phố đang tích cực triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 từng bước xây dựng Tam Điệp theo các tiêu chí đô thị loại II và vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, trong đó tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, chiến đấu của Đảng bộ và các tổ chức cơ sở Đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên nhất là cán bộ chủ chốt đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới; Tập trung, chỉ đạo phát triển toàn diện kinh tế-xã hội, tiếp tục tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ thương mại, nâng quy mô và hiện đại hóa ngành công nghiệp và chế biến nông sản xuất khẩu; Thực hiện rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Thực hiện tốt công tác quân sự quốc phòng địa phương, giữ vững an ninh và trật tự an toàn xã hội…

Với bề dầy truyền thống sau 40 năm xây dựng và phát triển, chắc chắn Tam Điệp sẽ có những bước đi toàn diện vững chắc trong tư thế đi lên, xứng đáng là một trong những trung tâm kinh tế động lực của tỉnh, là thành phố công nghiệp văn minh, hiện đại, góp phần cùng Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh phấn đấu đưa Ninh Bình phát triển nhanh và bền vững. 

                                                                                                            Nguyễn Đăng Trình

 

Đăng nhập
Thống kê truy cập
Số lượt truy cập
915134

Trực tuyến: 236

Hôm nay: 1304