Trang Thông tin điện tử Thành phố Tam Điệp
Chủ Nhật, 22/12/2024
Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử thành phố Tam Điệp!

Thành phố Tam Điệp tập trung quyết liệt phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết

Thứ Ba, 15/08/2023 210 lượt xem
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Hiện nay, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố Tam Điệp đang tiềm ẩn nguy cơ bùng phát nếu không có giải pháp ứng phó kịp thời. Trước tình hình đó, UBND thành phố đã có công văn chỉ đạo các ngành chuyên môn và địa phương tích cực vào cuộc, triển khai quyết liệt các hoạt động phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, khống chế không để dịch bệnh lan rộng trên địa bàn, đảm bảo sức khỏe nhân dân.

Theo đó, từ ngày 18/7/2023 đến nay ổ dịch sốt xuất huyết tại thôn 5, xã Đông Sơn đã kéo dài đến ngày thứ 25, phát sinh ca bệnh thứ 5 (2 ca bệnh đầu tiên ghi nhận ngày 18/7/2023, ngày 30/7 ghi nhận thêm 1 ca bệnh và đến ngày 8/8/2023 ghi nhận thêm 2 ca bệnh là 2 anh em trong một gia đình), hiện 4 ca đã khỏi bệnh và 1 ca đang được điều trị tại Bệnh viện Sản nhi.

Dọn vệ sinh môi trường và phun thuốc diệt muỗi tại khu dân cư và hộ gia đình.

Được biết, ngay khi có thông tin dịch sốt xuất huyết tại thôn 5, xã Đông Sơn, phòng Y tế, TTYT thành phố đã phối hợp với trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Bình đã có buổi làm việc với BCĐ Phòng, chống dịch bệnh xã Đông Sơn để chỉ đạo, kiểm tra công tác phòng, chống dịch. Phòng Y tế thành phố đã nhanh chóng khoanh vùng, tổ chức điều tra dịch tễ, giám sát nguồn lây, xử lý ngay các ổ dịch lẻ. Chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, huy động lực lượng phun dập dịch diện rộng toàn khu vực xảy ra ca bệnh. Qua triển khai quyết liệt các giải pháp đã nhận được sự quan tâm của người dân khi nhận biết và ý thức được tình hình dịch bệnh, từng hộ gia đình đã chủ động cập nhật kiến thức và hình thành thói quen có ích trong phòng chống dịch bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, nhất là gia đình có trẻ nhỏ.

Tuy nhiên, kết quả kiểm tra giám sát tại ổ dịch cho thấy có một số vấn đề còn tồn tại như: Việc xử lý dụng cụ chứa nước chưa triệt để và vẫn còn có những nhà trồng cây cảnh và có đến 20-30 chậu chứa nước có bọ gậy, kèm theo có rất nhiều muỗi aedes (chỉ cách nhà bệnh nhân khoảng 30-40m). Việc phun hóa chất chưa thực sự trọng điểm, dàn trải trên 200 hộ gia đình nhưng hiệu quả lại không cao (đã dùng 8 lít thuốc để phun cho thôn 5). Mặt khác, xã Đông Sơn là địa bàn khá rộng, đông dân cư phần lớn diện tích đất nông nghiệp xen kẹt. Đây là những nơi muỗi dễ sinh sản và phát triển. Để chủ động phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, các lực lượng của xã đã triển khai nhiều giải pháp.

 Ông Phạm Đình Cư, Chủ tịch UBND xã Đông Sơn.

Ông Phạm Đình Cư, Chủ tịch UBND xã Đông Sơn cho biết “Ngay khi có thông tin, UBND xã đang chỉ đạo các thôn tập trung tuyên truyền trên loa - đài phát thanh, loa kéo đến từng khu dân cư, thôn xóm; đồng thời tổ chức lực lượng tuyên truyền đến tận các nhà dân để hướng dẫn người dân lật úp các dụng cụ chứa nước không cần thiết, làm vệ sinh môi trường thường xuyên để hạn chế muỗi phát sinh”.

Để chủ động phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn, Phòng y tế, TTYT thành phố đã phối hợp với trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Bình tiếp tục yêu cầu các đơn vị y tế xã, phường thực hiện tốt công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe cho người dân biết về sốt xuất huyết, các dấu hiệu cảnh báo nặng cần khám ngay và thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, phun, diệt muỗi, phòng muỗi đốt; tổ chức tập huấn cho các bệnh viện công lập và ngoài công lập về phác đồ điều trị, cập nhật những kiến thức về sốt xuất huyết Dengue. Đối với các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện nghiêm việc phân luồng, phân tuyến để phù hợp mức độ bệnh nhân nặng, nhẹ và chuyển tuyến an toàn; đồng thời yêu cầu các bệnh viện bảo đảm đủ hóa chất, vật tư tiêu hao, thuốc,... theo đúng quy định.

Ngành y tế Thành phố cũng đề nghị chính quyền các địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội tham gia vào cuộc phòng, chống sốt xuất huyết tương tự như phòng, chống dịch Covid-19; phối hợp chặt chẽ hơn nữa với ngành y tế trong việc tổ chức các chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, qua đó góp phần ngăn chặn dịch bệnh bùng phát và lan rộng tại địa phương mình. Các trường học cần có kế hoạch, giải pháp cụ thể, truyền thông mạnh mẽ để giáo viên, học sinh, phụ huynh cùng vào cuộc phòng, chống sốt xuất huyết trong nhà trường. Mỗi người dân và cộng đồng cần thực hiện những hành động đơn giản nhưng rất thiết thực và quan trọng để phòng, chống dịch như: Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; hằng tuần thực hiện các biện pháp diệt bọ gậy; ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày; tích cực phối hợp ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Khi bị sốt cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà.

Tuyên truyền phòng chống dịch tại nhà văn hóa Thôn 5 xã Đông Sơn.

Thực tế cho thấy, mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp phòng, chống dịch nhưng khả năng xuất hiện thêm các ca bệnh mắc dịch sốt xuất huyết ở thành phố hiện nay vẫn ở mức cao, đặc biệt là các xã, phường trọng điểm. Bởi theo chu kỳ của dịch bệnh sốt xuất huyết, cứ 3 đến 5 năm thì sẽ tái lại 1 lần; bên cạnh đó là thời tiết diễn biến thất thường, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sản, phát triển và một phần là do người dân vẫn còn thờ ơ với việc phòng, chống dịch bệnh. Chính vì vậy, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của ngành Y tế thành phố, chính quyền địa phương thì mỗi người dân thành phố Tam Điệp phải nâng cao ý thức, tự phòng tránh dịch bệnh nguy hiểm này, không để ảnh hưởng đến tính mạng bản thân, gia đình và cộng đồng.

Thương Thương

Đăng nhập
Thống kê truy cập
Số lượt truy cập
914880

Trực tuyến: 262

Hôm nay: 1050