Chiều 28/2, tại phòng hội thảo, Nhà văn hóa thành phố, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tổ chức Hội nghị lấy ý kiến Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Đồng chí Đinh Văn Thanh, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch HĐND thành phố dự hội nghị; đồng chí Phạm Thành Long, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch Thường trực UBMTTQVN thành phố chủ trì hội nghị; lãnh đạo Ban Dân vận Thành ủy, phòng Tài nguyên - Môi trường, phòng Tư pháp thành phố; các vị Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố; Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam các phường, xã đã đến dự.
Quang cảnh Hội nghị.
Sau gần 10 năm tổ chức thi hành Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, Luật Đất đai đã bộc lộ những hạn chế, gây khó khăn, vướng mắc, chưa phát huy được nguồn lực từ đất để xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội. Trước thực tế đó, Quốc hội khóa XV mong muốn các tầng lớp nhân dân tham gia góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để phù hợp thực tiễn cuộc sống, có tính ổn định, lâu dài. Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 245 điều (nhiều hơn Luật đất đai năm 2013, 02 chương, 33 điều); trong đó, giữ nguyên 28 điều, sửa đổi, bổ sung 184 điều, bổ sung mới 41 điều và bãi bỏ 8 điều. Dự thảo Luật lần này có một số điểm mới như: Đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tăng cường sự tham gia của người dân trong công tác lập quy hoạch sử dụng và bổ sung quy định về tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý của nhân dân trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; quy định chặt chẽ các trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất…
Tại hội nghị, đã có 8 đại biểu góp ý trực tiếp vào dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), các đại biểu cơ bản nhất trí và đánh giá cao sự cần thiết ban hành dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), nhất là những bất cập trong quản lý và sử dụng đất. Tuy nhiên các đại biểu cũng đề nghị cần sửa đổi bổ sung một số nội dung cơ bản đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Cụ thể: Tại điều 67 của Luật đất đai (sửa đổi) cần làm rõ mục đích, tiêu chí, trường hợp thật cần thiết phải tiến hành thu hồi đất, có cơ sở cho việc tiến hành thu hồi đất. Về hộ gia đình sử dụng đất nên làm rõ quyền sử dụng đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác của vợ và chồng trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp. Về vấn đề tranh chấp đất đai theo khoản 1 Điều 225 của Dự thảo Luật (sửa đổi), đề xuất phải ghi rõ: “Tranh chấp đất đai, tranh chấp đất đai và tài sản gắn liền với đất bao gồm cả trường hợp đương sự không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc không có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất do Tòa án nhân dân giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tung dân sự”. Khoản 2 Điều 225 bổ sung nội dung: “Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất để làm căn cứ cho Tòa án nhân dân hoặc Trọng tài thương mại giải quyết theo thẩm quyền khi được yêu cầu”.
Đại biểu cũng cho rằng Điều 78 chương VI cần quy định rõ hơn thành 2 nhóm; Dự án (nhóm) nào là lợi ích quốc gia công cộng; Dự án (nhóm) nào là phát triển kinh tế xã hội thông thường; tại khoản b, điều 84 đề nghị luật quy định rõ Chủ tịch Hội đồng giải phóng mặt bằng là Chủ tịch UBND cấp huyện. Cần công khai, minh bạch trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và giao đất, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất, thu hồi, bồi thường, trợ tái định cư, kết quả xử lý vi phạm về đất đai để người dân giám sát thông qua việc bày tỏ ý kiến trực tiếp hoặc thông qua các cơ quan đại diện như Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các đoàn thể nhân dân; dự thảo nên quy định cụ thể trường hợp nào Nhà nước sẽ đứng ra thu hồi đất; nên có thêm các quy định về (thời gian tối đa là bao nhiêu ngày phải hoàn thành việc cấp, đổi Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất khi đủ các điều kiện)…
Đồng chí Phạm Thành Long, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố phát biểu kết luận Hội nghị.
Kết luận tại hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã trân trọng cảm ơn những ý kiến đóng góp tâm huyết của các đại biểu vào bản dự thảo Luật đất đai (sửa đổi). Đồng chí cũng đề nghị các đại biểu tích cực tuyên truyền, chia sẻ thông tin nội dung góp ý dự thảo Luật đất đai sửa đổi rộng rãi tới cán bộ, đoàn viên, hội viên và Nhân dân tiếp tục nghiên cứu, huy động trí tuệ, tâm huyết đóng góp vào Dự thảo Luật đất đai sửa đổi bằng hình thức phù hợp đảm bảo chất lượng, khoa học, khả thi, đồng bộ, hiệu quả; phản ánh ý chí, nguyện vọng và vì lợi ích Nhân dân qua đó góp phần đưa Luật Đất đai phù hợp với thực tiễn đời sống hiện nay. Đồng thời nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức trong hệ thống MTTQ Việt Nam và Nhân dân đối với việc tham gia góp ý, sửa đổi Luật Đất đai và thi hành Luật Đất đai. Thông qua hội nghị, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ thành phố sẽ tổng hợp đầy đủ những ý kiến của các đại biểu để gửi về Ủy ban MTTQ tỉnh theo quy định.
Kim Dung
Trực tuyến: 280
Hôm nay: 1411