Trang Thông tin điện tử Thành phố Tam Điệp
Thứ Năm, 21/11/2024
Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử thành phố Tam Điệp!

Làng đào phai Đông Sơn rộn ràng khoe sắc đón xuân

Thứ Hai, 22/01/2024 2510 lượt xem
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Đến thăm làng đào Đông Sơn vào dịp cuối năm, chúng ta dễ dàng cảm nhận được sắc Xuân và sức Xuân của một làng hoa với vẻ đẹp trữ tình, thơ mộng. E ấp trong làn gió Xuân dịu nhẹ là những cánh đào mong manh, làm xao động cả đất trời và lòng người. Làn gió nông thôn mới đang tràn về trên mọi nẻo đường của làng quê Đông Sơn, hứa hẹn một vụ mùa bội thu cho nhiều hộ gia đình vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. 

Đào phai Đông Sơn khoe sắc đón xuân.

Đã trở thành nếp sinh hoạt và sản xuất, từ nhiều năm nay tại xã Đông Sơn, khi bước sang tháng cuối cùng của năm, nhịp sống nơi đây lại trở nên sôi động hơn bao giờ hết, bởi sự tất bật của người dân trồng đào phai trong công đoạn chăm sóc cuối cùng trước khi thu hoạch cắt đào bán ra thị trường những cây đào, cành đào phai độc đáo nổi tiếng xưa nay; sự náo nhiệt của người dân thành phố và du khách thập phương đến ngắm đào, chọn đào chơi tết. 

Nếu như trước đây Đông Sơn chỉ có đồi đất tự nhiên với những cây trồng truyền thống như cây chè, lúa, ngô, khoai, sắn, thì nhiều năm nay đã được thay thế bằng những vườn đào phai bạt ngàn và đã thành cây trồng chủ lực của người dân Đông Sơn. Theo thống kê, năm 2023, cây đào đã đem lại tổng doanh thu 14,8 tỷ đồng. Nhiều năm trở lại đây, loại cây trồng này đã đem lại cuộc sống khấm khá cho người dân.

Thời điểm này, trên trục đường chính của xã hay những con ngõ nhỏ dẫn vào các vườn đào phai đều nhộn nhịp người xe tấp nập, đa phần là các thương lái vào tận vườn để đặt mua đào, cùng với đó là rất nhiều người dân thành phố Tam Điệp và các vùng lân cận đến tận vườn đào phai để ngắm đào và đặt mua.

Người dân đến chọn đào tại vườn ở xã Đông Sơn.

Tại vườn đào của gia đình ông Phạm Văn Thủy ở thôn 6, nhiều cây đào đã được khách hàng đặt mua và đánh dấu, chờ ngày chuyển đi. Đa phần các cây đào nhà ông Thủy có thời gian trồng từ 2 đến 3 năm, đều là những cây đào đến thời điểm cho thu hoạch. Năm nay, gia đình tôi có diện tích 5.400m2 trồng trên 3.000 cây đào, trong đó có gần 2.000 gốc đào từ 3-5 năm đang được thực hiện các bước chăm sóc cuối cùng để chuẩn bị cho ngày xuất bán.

Các cây đào được chăm sóc tỉ mỉ, cẩn thận theo đúng quy trình nên cho thân thẳng, cành to, trổ nhiều nụ và hoa cánh to, đều với màu sắc hồng phai đặc trưng của đào Đông Sơn.

Ông  Phạm Văn Thủy, thôn 6 Đông Sơn.

Ông  Phạm Văn Thủy cho biết “Để có một cây đào đẹp thì việc chăm sóc cây là hết sức quan trọng. Để hoa đào nở vào đúng dịp Tết đòi hỏi người trồng đào phải có kinh nghiệm, nắm bắt diễn biến của thời tiết để có chế độ chăm sóc cây, người trồng đào không phải chỉ tác động vào giai đoạn cuối mà phải tác động trong suốt quá trình sinh trưởng phát triển của cây. Ngoài các biện pháp chăm sóc như tưới nước, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, cắt tỉa tạo tán... muốn cho cây đào ra hoa đúng dịp Tết Nguyên đán, người trồng đào cần phải thực hiện thêm các biện pháp kỹ thuật như: khoanh vỏ hoặc đảo cây, vặt lá (tuốt lá)… Cây đào phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết nên người trồng đào phải rất công phu, tỉ mỉ từ các công đoạn chăm sóc. Để có đào đẹp bán vào dịp Tết, người trồng đào chúng tôi vẫn đang theo dõi sát diễn biến của thời tiết, tích cực chăm sóc, uốn nắn, cắt tỉa, chằng, buộc gọn tán để đảm bảo cây đào ra hoa đẹp nhất khi Tết đến, Xuân về, phục vụ nhu cầu người dân”

Khách hàng có thể cắt cây sát gốc để cắm hoặc có thể bứng cả gốc cây để trồng chơi lâu dài. Nếu người chơi biết cách chăm sóc đúng kỹ thuật chơi được trong nhiều năm.

Không giống như đào ở các vùng khác, đào phai trồng tại Đông Sơn có vẻ đẹp tự nhiên, cành lá thanh thoát, nhiều lộc, cánh hoa to, màu phớt hồng nên được nhiều người ưa thích, lựa chọn để chơi Tết. Hiện nay, Đông Sơn có 10 làng nghề trồng đào phai được công nhận là làng nghề truyền thống với tổng diện tích trồng đào trên 150ha. Đi đến bất cứ nơi nào trên đất Đông Sơn đều thấy được những vườn đào trải rộng, cận Tết những cánh hoa đào bung nở tạo nên màu hồng nhạt mát mắt.

Gia đình chị Đỗ Thị Hát tại thôn 6, xã Đông Sơn là một trong nhiều hộ trồng đào phai có diện tích lớn của địa phương với trên 1 mẫu đất. Vườn nhà chị có trên 300 gốc đào phai thì đã có tới hơn một nửa được khách hàng chọn mua. Là ngành nghề chính của gia đình nên tất cả lao động trong gia đình đều dồn sức chăm sóc cho những gốc đào phai.

Quần quật vất vả quanh năm chăm sóc đào, đến vụ gần Tết gia đình chị lại càng bận rộn hơn bao giờ hết. Hằng ngày, ngoài việc chăm sóc đào, dọn vườn, gia định chị còn đón hàng chục lượt khách hàng đến chọn mua.

 Chị Đỗ Thị Hát tại thôn 6, xã Đông Sơn.

Chị Hát cho biết “Người dân chúng tôi trước đây chủ yếu trồng trọt, vất vả lắm. Nhưng từ khi trồng đào, khách mua đông nên dân chúng tôi đã tập trung vào trồng. Nói chung là từ ngày đào bán được thì cuộc sống người dân được cải thiện lên rất nhiều, con cái được học hành đến nơi đến chốn. Đây cũng là một biểu trưng cho làng chúng tôi. Để cây đào nở đúng dịp Tết và có thế đẹp, độc, lạ, người dân phải chăm sóc, ghép cành, uốn cành rất kì công, phân bón cũng phải hợp lý. Vì vậy, nên người trồng cũng cần phải khéo tay, có kĩ thuật trồng thì đào mới trúng hoa được. Tôi rất hy vọng mùa đào năm nay sẽ thắng lợi.

Ông Đinh Văn Sỹ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Sơn.

Khẳng định vai trò của cây đào phai trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp của địa phương, ông Đinh Văn Sỹ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Sơn, cho biết “Làng đào phai Đông Sơn đã góp phần xây dựng quê hương, tạo công ăn việc làm cho người dân, giúp người dân phát triển kinh tế và ổn định cuộc sống. Trồng đào không những tạo nên không gian yên bình mà còn thân thiện với môi trường, đặc biệt là lưu giữ được nét văn hóa truyền thống của xã Đông Sơn. Hội Nông dân xã đã phối hợp tổ chức tuyên truyền, hỗ trợ bà con về kỹ thuật chăm sóc để đào phát triển tốt, ra hoa đúng vụ. Thời gian qua, nhờ duy trì và phát triển tốt làng nghề trồng đào truyền thống mà người dân Đông Sơn có nguồn thu nhập ổn định, đời sống ngày càng được cải thiện. Vì vậy, duy trì và phát triển làng nghề trồng đào truyền thống đang là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng được cấp ủy, chính quyền địa phương chú trọng

Nhiều năm qua, cây đào phai Đông Sơn đã có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Cây đào phai ngoài tiêu thụ trên địa bàn tỉnh còn được nhiều du khách từ các tỉnh như Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên... đến tham quan và chọn mua. Nhìn chung năm nay, cây đào phai được người dân chăm sóc tốt, dáng đẹp, nụ nhiều. Do đó, người dân kỳ vọng dịp Tết Nguyên đán sắp tới sẽ mang lại nguồn thu nhập khá hơn mọi năm.

Để kịp phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, người dân trồng đào phai ở xã Đông Sơn đã huy động nhân lực tất bật tuốt lá, chăm cây chờ ngày mang “sắc xuân” xuống phố. Đây cũng là thời điểm quan trọng quyết định đào có nhiều nụ, hoa và nở đúng dịp Tết hay không.

Những cánh đào phai bung nở đón xuân.

Xác định cây đào là cây trồng chủ lực của nền kinh tế địa phương, Đảng ủy, Ủy ban Nhân dân xã đã có nhiều chủ trương, chính sách liên quan phát triển diện tích cũng như nâng cao chất lượng cây đào phai. Trong thời gian tới, Đông Sơn sẽ tiếp tục chuyển giao khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng, sản phẩm cây đào, trồng những cây đào thế có giá trị kinh tế cao hơn, mang lại thu nhập cho nhân dân trong xã.

Cũng như nhiều người khác, tôi cũng đã chọn mua 1 cành đào, cầm trên tay mà lòng đầy phấn chấn, cảm thấy yêu sao mảnh đất Đông Sơn, yêu sao Tam Điệp quê mình quá. Tôi biết trong lòng những người khách kia họ cũng mang tâm tưởng giống tôi, thầm nguyện sang năm mới người Đông Sơn lại trồng thêm được nhiều đào đẹp hơn, người đến mua đào lại nhiều hơn nữa để người với người lại thêm gần nhau hơn nữa.

Thương Thương

 

Đăng nhập
Thống kê truy cập
Số lượt truy cập
881420

Trực tuyến: 23

Hôm nay: 817