Trang Thông tin điện tử Thành phố Tam Điệp
Thứ Bảy, 26/10/2024
Chào mừng bạn đến với Trang thông tin điện tử thành phố Tam Điệp!

Gặp mặt các đại biểu dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Ninh Bình năm 2024

Thứ Tư, 16/10/2024 112 lượt xem
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 14 điểm ( 4 đánh giá )

         Chiều ngày 16/10, tại Phòng họp tầng 1 Nhà B, Trụ sở HĐND -UBND thành phố, UBND Thành phố Tam Điệp tổ chức Gặp mặt các đại biểu dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Ninh Bình năm 2024. Đồng chí Vũ Đình Chiến, UVBTV Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố dự và chủ trì buổi gặp mặt; đồng chí Tạ Quang Khải, UVBTV, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy; đồng chí Tạ Thị Pha, Thành ủy viên, Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam thành phố; lãnh đạo Văn phòng HĐND - UBND thành phố; đại diện Thường trực Đảng ủy xã Yên Sơn và các đại biểu tiêu biểu dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Ninh Bình năm 2024.

Quang cảnh buổi gặp mặt.

        Với chủ đề “Các dân tộc đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”, Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Ninh Bình năm 2024 được tổ chức tại huyện Nho Quan, là dịp để tôn vinh và biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh trong sự nghiệp xây dựng, hội nhập, phát triển và bảo vệ đất nước giai đoạn 2019 - 2024. 

 Yên Sơn là địa phương có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nhiều nhất thành phố Tam Điệp; xã có 7 dân tộc thiểu số sinh sống  với 513 nhân khẩu chiếm 7,6% trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc Mường  444 khẩu, có 01 giáo xứ mới được thành lập với 4 giáo họ. Năm 2017, xã Yên Sơn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới sớm hơn 3 năm so với kế hoạch. Tháng 12 năm 2023, xã Yên Sơn được Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.  Sau 7 năm xây dựng nông thôn mới,  diện mạo Yên Sơn hôm nay đã có sự chuyển biến tích cực. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện, đẩy lùi các tệ nạn xã hội; những hủ tục lạc hậu của bà con dân tộc thiểu số đã được thay bằng nếp sống văn hoá, văn minh, điện sáng đến từng ngõ xóm, cơ sở hạ tầng và trường học được quan tâm đầu tư khang trang, sạch đẹp. Khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố và tăng cường, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đổi mới quê hương, đất nước. Trong kết quả chung đó có sự đóng góp không nhỏ của người dân tộc thiểu số, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số để xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, xã nông thôn mới nâng cao trên địa bàn xã Yên Sơn. Tiêu biểu, năm 2024 thôn Khánh Ninh, xã Yên Sơn đăng ký xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, đây là thôn có đông bà con dân tộc Mường sinh sống, chiếm tới 90% dân số trong thôn, ngay từ đầu năm việc xây dựng khu dân cư được đông đảo bà con dân tộc Mường nhiệt tình hưởng ứng hiến kế, góp công, sức, góp kinh phí hỗ trợ khu dân cư điển hình như gia đình ông Nguyễn Văn Viễn, bà Nguyễn Thị Nghĩa, bà Bùi Thị Khuyên, ông Nguyễn Văn Cận, ông Bùi Văn Công...đã hỗ trợ kinh phí, hỗ trợ vật liệu và hàng trăm ngày công lao động, đặt 35 ghế đá, 10 dụng cụ thể dục, thể thao ngoài trời, trồng 700 cây xanh, cây bóng mát thể hiện vai trò gương mẫu đặc biệt quan trọng của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tạo sức lan toả tích cực trong cộng đồng và bà con dân tộc thiểu số. Đến nay nhiều hộ gia đình bà con dân tộc thiểu số đã chủ động phát triển kinh tế, làm giàu cho bản thân và hỗ trợ và con cùng phát triển kinh tế. Kết quả  huy động  các nguồn lực xây dựng xã đạt xã nông thôn mới nâng cao: huy động trên 6.000 nghìn ngày công lao động của nhân dân để trồng mới hơn 2.750 cây bóng mát, trồng bổ sung 20km các tuyến đường cây, đường hoa, xây bo 3,2km bồn trồng hoa, 5 tuyến đường cờ kiểu mẫu; 3,8km đường điện thắp sáng, nhân dân đã lắp đặt, trang trí đèn led tại 190 cây xanh sáng dọc tuyến đường Quốc lộ 12B, 2,8km rãnh thoát nước dọc các tuyến đường trục thôn được xây và đổ nắp đậy đồng thời tạo cảnh quan môi trường sáng xanh sạch đẹp, hệ thống hàng rào xanh được trồng, thường xuyên chăm sóc, cắt tỉa đồng bộ. Người dân tự nguyện tháo dỡ 2.000m cổng, tường bao và 300m2 đất để mở rộng đường giao thông trong đó có nhiều hộ gia đình người dân tộc thiểu số như gia đình bà Nguyễn Thị Phương dân tộc Tày, bà Nguyễn Thị Hương, ông Nguyễn Văn Cận dân tộc Mường; đến nay 100% các tuyến đường trục xã, đường trục thôn, đường ngõ xóm được bê tông hóa. Thực hiện vận động chỉnh trang làm mới, 860 chuồng trại chăn nuôi, gần 1.000 lượt vườn thực hiện xóa cây tạp, san sửa mặt bằng, tổ chức lại sản xuất, chú trọng đến sản xuất những sản phẩm chất lượng cao. Đến tháng 12 năm 2023 xã Yên Sơn có 10 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên hiện nay trên địa bàn xã đã có nhiều sản phẩm chất lượng, an toàn cung cấp đến cho người tiêu thụ sản phẩm như: dưa lưới công nghệ cao của ông Đinh Văn Hợp, mô hình sản xuất rau an toàn của gia đình ông Nguyễn Văn Cận, ông Bùi Văn Công dân tộc Mường, thôn Khánh Ninh với 5,2ha đất chuyên sản xuất rau an toàn; bên cạnh việc tập trung phát triển kinh tế hộ gia đình, những mô hình này góp phần tạo việc làm cho từ 5 đến 7 lao động trong khu dân cư với thu nhập từ 200 đến 350.000 đồng/ngày, những con nuôi, cây trồng mang giá trị kinh tế cao như nuôi Hươu lấy nhung, nuôi ong lấy mật, nuôi Dê thương phẩm được nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số đầu tư, chăm sóc và mang lại hiệu quả kinh tế cao như gia đình ông Nguyễn Văn Thân với thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều trên địa bàn xã giảm xuống 0,7%, hộ cận nghèo còn 1,4%, không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo là người dân tộc thiểu số. Bình quân thu nhập đạt 72triệu đồng/người/năm. Bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn xã tiếp tục duy trì và phát huy bản sắc văn hoá của người dân tộc thiểu số như: Duy trì trang phục người dân tộc, hát ru, hát giao duyên của người Mường nhân dịp tổ chức những ngày lễ lớn của dân tộc, của địa phương trong ngày Đại hội đại đoàn kết toàn dân tộc, kỷ niệm các sự kiện quan trọng của địa phương... 

Đồng chí Vũ Đình Chiến, UVBTV Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố phát biểu và tặng quà các đại biểu tiêu biểu dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố.

    Phát biểu và tặng quà các đại biểu tiêu biểu dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố khẳng định: Trong sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố thời gian qua có những đóng góp quan trọng của đồng bào dân tộc thiểu số. Cấp uỷ, chính quyền Thành phố luôn quan tâm tạo điều kiện, chăm lo, không ngừng nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc. Tại Đại hội lần này, Đoàn đại biểu của thành phố Tam Điệp tham dự gồm 11 đại biểu sinh sống trên địa bàn xã Yên Sơn, đây là những người con ưu tú, đại điện cho đồng bào dân tộc thiểu số thành phố Tam Điệp là vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm. Vì vậy, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố mong muốn mỗi đại biểu hãy phát huy tinh thần trách nhiệm, trí tuệ, những tinh hoa của dân tộc mình, tham gia có hiệu quả vào các hoạt động, đóng góp tích cực vào thành công chung của Đại hội. Sau Đại hội, mỗi đại biểu sẽ tiếp tục là cầu nối để chuyển tải chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chuyển tải Nghị quyết của Đại hội đến đồng bào dân tộc tại đại phương mình cùng thực hiện; qua đó góp phần củng cố và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc góp phần xây dựng quê hương Tam Điệp ngày càng giàu đẹp văn minh.

 Ông Nguyễn Văn Viễn, thôn Khánh Ninh, Xã Yên Sơn đại diện cho đồng bào dân tộc thiểu số phát biểu cảm ơn.

        Ông Nguyễn Văn Viễn, dân tộc Mường, người có uy tín của thôn Khánh Ninh, Xã Yên Sơn đại diện cho đồng bào dân tộc thiểu số đã bày tỏ niềm vui mừng và vinh dự khi được địa phương tin tưởng cử tham dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Ninh Bình năm 2024. Ông trân trọng cảm ơn sự quan tâm của Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thành phố và hứa sẽ phát huy tinh thần đoàn kết, chấp hành nghiêm quy chế, tham gia có hiệu quả vào chương trình Đại hội; xứng đáng với sự tin tưởng, kỳ vọng của quê hương Tam Điệp. Tại Đại hội lần này, ông và các đại biểu mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm hơn nữa của Đảng, Nhà nước các cấp đối với sự nghiệp giáo dục, đào tạo, tuyển chọn con em người dân tộc thiểu số để con em người dân tộc thiểu số học tập, phấn đấu rèn luyện, công tác, tiếp tục thực hiện chính sách cử tuyển, tuyển chọn vào các cơ quan của nhà nước khi con em người dân tộc thiểu số mới ra trường. Ngoài ra, việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc là điều cần thiết, bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn xã mong muốn được Nhà nước các cấp quan tâm, hỗ trợ, hướng dẫn việc duy trì, bảo tôn văn hoá cồng chiêng, văn hoá trang phục của người dân tộc Mường, vì hiện nay nét văn hoá này đã dần mai một, cần khôi phục, duy trì.

Tố Lan 

Đăng nhập
Thống kê truy cập
Số lượt truy cập
852146

Trực tuyến: 24

Hôm nay: 458